Đứng đầu trong danh sách tỷ phú đô la ở Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng, theo tính toán của Forbes tại ngày 17/2/2020, tài sản của người đứng đầu Tập đoàn Vingroup đã chạm mức 7 tỷ USD, đứng thứ 239 trên thế giới.
Khởi nghiệp từ sản xuất mỳ gói ở Ukraine, đầu những năm 2000, ông Vượng trở về đầu tư ở Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản du lịch với thương hiệu Vinpearl tại Nha Trang và lĩnh vực bất động sản thương mại với thương hiệu Vincom tại Hà Nội. Sau hơn 10 năm "khởi nghiệp" ở Việt Nam, doanh nhân họ Phạm đã xây dựng được một hệ sinh thái khổng lồ.
Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản Vingroup đạt 408.573 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 120.601 tỷ đồng, tăng lần lượt 41,8% và 21,6% so với cuối năm 2018. Trong năm, doanh thu thuần của tập đoàn đạt 130.790 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 15.639 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7.702 tỷ đồng, tăng lần lượt 7,3%, 12,9% và 24,4% so với năm trước.
Cuối năm 2019, sau một quãng thời gian dài liên tục mở rộng và đầu tư dàn trải trên nhiều lĩnh vực hoạt động, Tập đoàn Vingroup đã quyết định chuyển hướng chiến lược kinh doanh, rút khỏi mảng bán lẻ, hàng không và đặt trọng tâm phát triển các lĩnh vực công nghệ - công nghiệp. Sang năm 2020, tập đoàn này cho biết sẽ tiếp tục đầu tư mãnh mẽ để phát triển 3 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là công nghệ – công nghiệp, bất động sản – du lịch và dịch vụ cộng đồng.
Xếp vị trí thứ hai trong danh sách tỷ phú Việt là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet Air với giá trị tài sản 2,4 tỷ USD, tương ứng vị trí 1.008 trên thế giới. Ngoài ra, năm 2019, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách thường niên 100 người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh do Forbes bình chọn.
Bà Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội. Sau quãng thời gian học tập và khởi nghiệp tại Đông Âu, bà về Việt Nam đầu tư vào mảng ngân hàng, bất động sản. Với sự nhanh nhạy của một nữ doanh nhân tuổi Canh Tuất cùng xu thế mở cửa cho tư nhân, bà Thảo nhanh chóng thành công và khẳng định vị thế trong lĩnh vực bất động sản (với Tập đoàn Sovico) cũng như ngân hàng - tài chính (với HDBank).
Tính đến nay, bà Thảo đã có 15 năm làm việc tại HDBank trong lịch sử 30 năm hoạt động của ngân hàng này, đồng thời trực tiếp nắm giữ 3,67% cổ phần của HDBank. Về cơ cấu sở hữu hiện tại của HDBank, Sovico là cổ đông lớn duy nhất của nhà băng này với 13,34% cổ phần. Bà Thảo là Chủ tịch kiêm người đại diện phần vốn góp của Sovico ở HDBank.
Những tưởng việc quản lý Sovico hay HDBank đã là quá sức đối với một người phụ nữ, song bà Thảo còn khiến giới doanh nhân bất ngờ và thán phục gấp bội từ thành công của hãng hàng không Vietjet. Hàng không cũng chính là lĩnh vực đưa bà Thảo trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của khu vực. Tính cả năm 2019, Vietjet Air thu về 52.059 tỷ đồng doanh thu và 5.010 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tổng tài sản đạt mức 47.608 tỷ đồng.
Vị tỷ phú USD thứ 3 của Việt Nam là ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) với giá trị tài sản được ghi nhận là 1,7 tỷ USD, xếp hạng 1.349 trên thế giới. Ông Trần Bá Dương (SN 1960) nằm trong số ít những đại gia Việt giàu lên nhờ đầu tư ngành công nghiệp nặng mà không phải là từ đất đai.
Khởi đầu với một xưởng sửa chữa ô tô nhỏ, vị doanh nhân sinh năm 1960 này đã đưa doanh nghiệp của mình trở thành công ty lớn nhất Việt Nam về sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô cho nhiều thương hiệu quốc tế, đồng thời phát triển Chu Lai thành cứ điểm sản xuất lắp ráp ô tô của Việt Nam và trong khu vực ASEAN. Sau hơn 15 năm đầu tư tại Chu Lai, Thaco đã trở thành tập đoàn tư nhân hàng đầu tại Việt Nam và ông Trần Bá Dương cũng đã trở thành một doanh nhân lớn của đất nước.
Nửa đầu năm 2019, doanh thu thuần của Thaco đạt 26.835 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.828 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Thaco ở mức 86.248 tỷ đồng. Sang năm 2020, doanh nghiệp này đề ra mục tiêu giữ vững vị trí đứng đầu thị trường ô tô trong nước với thị phần trên 30%. Doanh thu kì vọng đạt 70.000 tỷ đồng và tổng giá trị xuất khẩu ô tô đạt trên 50 triệu USD.
Hai vị tỷ phú còn lại là ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Ngân hàng Techcombank và ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group với giá trị tài sản lần lượt là 1,7 tỷ USD và 1,3 tỷ USD.
Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970 tại Hà Nội, có bằng cử nhân ngành điện tử tại Đại học Bách khoa Kiev, còn ông Nguyễn Đăng Quang (SN 1963) là một tiến sỹ vật lý hạt nhân, đây là hai trong số những gương mặt thành công của lớp du học sinh Đông Âu thời bấy giờ.
Từ những năm 1990, ông Hồ Hùng Anh bắt đầu buôn bán hàng hóa giữa Việt Nam và Đông Âu. Trong khi đó người bạn thân Nguyễn Đăng Quang về nước và vào làm cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Ít lâu sau, ông Hồ Hùng Anh cũng về nước và cùng ông Nguyễn Đăng Quang gây dựng nên Masan Group với khởi đầu là Masan Food, một công ty chuyên sản xuất những gói mì ăn liền vào năm 1997.
Ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh được xem là cặp bài trùng tham gia xây dựng 2 đế chế Masan và Techcombank. Tháng 4/2018, ông Hồ Hùng Anh rút khỏi Masan để tập trung vào Techcombank theo những quy định riêng của ngành ngân hàng, còn ông Nguyễn Đăng Quang tiếp tục vận hành Masan.
Năm 2019, Techcombank đạt 12.838 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng 20%, vượt xa các ông lớn nhà nước là BIDV và Vietinbank. Tổng tài sản nhà băng này tính đến ngày 31/12/2019 tăng 20% đạt 383.699 tỷ đồng, huy động tiền gửi của khách hàng tăng 14,8% đạt 231.297 tỷ đồng.
Còn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang trong năm 2019 ghi nhận doanh thu đạt mức 38.819 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.365 tỷ, tăng hơn 13% so với con số thực hiện năm 2018. Dấu ấn đậm nét nhất của Masan trong năm 2019 thể hiện ở vụ mua bán sáp nhập đình đám giữa tập đoàn này với mảng bán lẻ của Vingroup, bước đi đầy táo bạo này hứa hẹn một năm 2020 đột phá của Masan.