Chân dung Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC, người từng giàu nhất Việt Nam

Đăng bởi Khánh Vân

07/02/2021 11:16

Ông Trịnh Văn Quyết là vị "thuyền trưởng" tập đoàn FLC với hàng loạt dự án về bất động sản nghìn tỷ, đồng thời người sáng lập Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Ông Quyết từng là người giàu nhất Việt Nam khi giá cổ phiếu ROS tăng mạnh. Tuy nhiên, hiện tại ngoại trừ GAB thì hầu hết cổ phiếu ông Quyết có cổ phần trực tiếp hoặc gián tiếp đều đang ở mức giá rất thấp. Tính đến cuối tháng 8/2020, tổng giá trị thị trường cổ phiếu ông Quyết nắm giữ chỉ có khoảng 700 tỷ.

Tiểu sử:

Ông Trịnh Văn Quyết sinh ngày 27 tháng 11 năm 1975, tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Bố là Trịnh Hồng Quý, mẹ là Đỗ Thị Giáp đều làm công chức nhà nước. Sau khi tốt nghiệp cấp phổ thông trung học 2 năm, ông quyết mới thi đỗ Đại học Luật Hà Nội.

Gia đình

Vợ là bà Lê Thị Ngọc Diệp (sinh năm 1979), hiện đang công tác tại Ngân hàng BIDV. Ông Trịnh Văn Quyết có 3 người con trai.

Sự nghiệp

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông Quyết đã mở văn phòng gia sư và buôn bán điện thoại, vừa thỏa niềm đam mê kinh doanh vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Năm 2001, Công ty Cổ phần Tư vấn quản lý và Giám sát đầu tư (viết tắt SMiC). Với nhiệm vụ tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, bất động sản, thương mại và dịch vụ… Năm 2006, ông Trịnh Văn Quyết chuyển đổi từ văn phòng Luật sư SMiC thành Công ty Luật TNHH SMiC.

Ông Quyết là 1 trong 5 luật sư hàng đầu Việt Nam được vinh danh “Luật sư tiêu biểu” năm 2012.

Con đường trở thành đại gia bất động sản

Năm 2008, ông Quyết thành lập hàng loạt công ty đầu tư tài chính như: Công ty Cổ phần FLC tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Trường Phú, Công ty TNHH SG Invest và Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Ninh Bắc (tiền thân của Công ty TNHH MTV FLC Land) – Chủ đầu tư của Dự án FLC Landmark Tower.

Tháng 01/2010: Trịnh Văn Quyết hợp nhất các công ty thành viên thành Công ty Cổ phần FLC.

Ngày 22 tháng 11 năm 2010, Công ty Cổ phần FLC được đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.

Tháng 10/2011, cổ phiếu FLC chính thức niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội. Đến tháng 08/2013, cổ phiếu FLC chính thức chuyển sang niêm yết tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE).

Tuy không phải là người đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực du lịch – nghỉ dưỡng, tuy nhiên, ông Trịnh Văn Quyết là người tiên phong trong lĩnh vực bất động sản - nghỉ dưỡng và sân golf với nhiều dự án lớn như:

- 02/2012: Khánh thành và đưa vào sử dụng Tổ hợp văn phòng và chung cư cao cấp FLC Landmark Tower.

- 05/2014: Khởi công dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn.

- 05/2014: Trở thành chủ đầu tư của dự án FLC Complex tại 36 Phạm Hùng, Hà Nội, với tổng diện tích 5.000 m2.

- 06/2015: Khởi công dự án tòa nhà FLC Twin Tower tại 265 Cầu Giấy, Hà Nội.

- 03/2016: Khánh thành FLC Vĩnh Thịnh Resort, khởi công giai đoạn 2.

- Khởi công Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long.

- Khởi công Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình.

- 07/2016: Khánh thành Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn.

Trong năm 2019, Tập đoàn FLC khởi công hàng loạt các dự án trên khắp cả nước như: quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi (Quảng Ngãi), đô thị Đại học FLC (Quảng Ninh), đô thị FLC LaVista Sa Đec (Đồng Tháp) cho đến đô thị FLC Legacy Kontum (tỉnh Kon Tum)….

Dự án FLC Luxury Hotel Sầm Sơn – Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Song song nhiều “đại dự án”, Tập đoàn FLC cũng rơi vào tình trạng “lắm tai tiếng” về các dự án sai phạm. Cùng với đó là nhiều khoảng vay “khủng” từ các ngân hàng trong và ngoài nước. Ngoài ra, một số công ty liên quan đến FLC cũng từng bị khách hàng là các nhà thầu kiện vì chậm thanh toán tiền và khách mua nhà giăng băng rôn “đòi nhà” vì chậm tiến độ.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn FLC âm tới 1.882 tỷ đồng.

Không chỉ có vậy, hiện tại hầu hết các cổ phiếu liên quan đến ông Quyết đều đang ở mức rất thấp so với mệnh giá. Đặc biệt, hầu hết cổ phiếu này trước đấy từng có thời gian tăng lên mức giá rất cao một cách khó hiểu sau đó giảm sâu. Điển hình trong số đó là ROS từng tăng lên mức giá hơn 200.000 đồng/cổ phiếu, đưa ông Quyết vượt lên trên ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vin Group trở thành người giàu nhất Việt Nam. Tuy nhiên, hiện ROS đang giao dịch quanh mức 2.000 đồng/cổ phiếu.

Ông Quyết cũng từng có những tuyên bố bất nhất về việc nắm giữ các cổ phiếu của mình và nhiều lần bị phạt vì “bán chui” cổ phiếu. Nhiều lần tuyên bố FLC sẽ tăng trên mệnh giá hay Bamboo Airways sẽ tăng trên 10 chấm của ông vẫn chưa thành hiện thực.

Hiện tại, giá trị FLC thị trường chỉ còn bằng một phần rất nhỏ so với mức giá mà một công ty liên quan tới FLC từng định giá và công bố rộng rãi cho truyền thông trước đây.

Bamboo Airways cú cất cánh hay dấu chấm hết?

Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airway) thuộc tập đoàn FLC (Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC), với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng. Sau đó FLC Group đã tăng vốn điều lệ lên thành 7.000 tỷ đồng vào tháng 5 năm 2020. Bamboo Airways sẽ bắt đầu có các chuyến bay đầu tiên vào ngày 16/01/2019.

Với xuất phát điểm chỉ 6 máy bay vào thời điểm mới cất cánh, đội bay Bamboo Airways chạm mốc 30 máy bay ngay trong quý 1/2020, trong đó có 4 chiếc thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Chiếc Boeing 787-9 đầu tiên đã hạ cánh tại sân bay Nội Bài. Bamboo Airways trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên khai thác máy bay thân rộng tại Việt Nam.

Đến tháng 4/2020, tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn FLC tại Bamboo Airways là 51,11%, tỷ lệ sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết là 37,85%, còn lại các cổ đông khác nhỏ lẻ khác.

Vào cuối năm 2019, Ông Quyết từng tuyên bố kế hoạch sẽ IPO Bamboo Airways với mức giá 50.000-60.000 đồng/cổ phiếu vào năm 2020. Ông cũng định giá hãng hàng không non trẻ đang thua lỗ của mình trị giá hàng tỷ USD. Đặc biệt, hãng hàng không này từ có công văn gửi đến BIDV chào mời quyền tham gia chương trình ưu đãi mua cổ phiếu Bamboo Airways với mức giá 40.000 đồng/cổ phiếu, cùng cam kết sẽ mua lại với giá 80.000 đồng sau 6 tháng.

Bamboo Airways được xem là một thành công lớn của Ông Quyết khi cất cánh sau một khoảng thời gian ngắn chuẩn bị. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá đây cũng là có thể là dấu chấm hết cho vị doanh nhân này. Đặc biệt, khi mà đại dịch Covid 19 đang tàn phá rất nhiều hãng hàng không trên thế giới. Trong 6 tháng đầu năm Bamboo Airways cũng đã thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Cơ hội phía trước đối với hãng hàng không này cũng không nhiều.

Khánh Vân
Bạn đang đọc bài viết "Chân dung Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC, người từng giàu nhất Việt Nam" tại chuyên mục Diễn đàn. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0836.196.146hoặc gửi về địa chỉ email (taichinhtieudung.mxh@gmail.com).