“Cúng dường” theo triết tự có nghĩa là cung cấp, dưỡng nuôi các bậc tôn kính như Thầy, Tổ hay ông bà, cha mẹ… những người có công sinh thành, dưỡng dục, truyền đạt đạo lý làm người, giúp ta hiểu rõ chúng sinh trong lục đạo luân hồi. Ví dụ, cha mẹ là đấng sinh thành, nuôi ta khôn lớn, lo cho ta ăn học, dựng vợ gả chồng, tạo cho ta gia tài, sự nghiệp… ta phải có trách nhiệm cúng dường cha mẹ khi tuổi già hay lúc yếu đau. Việc này cũng giống như đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt.
Trong Phật giáo, cúng dường cho các bậc tu hành là hành động làm phước thiện, theo luật nhân quả, nó mang lại phước báu lớn cho người cúng dường, giúp tiêu trừ đau khổ, vượt qua nỗi bất an trong cuộc đời như mũi tên chỉ đường để ta không bị lạc bước. Việc thiện dù nhỏ nhưng ắt mang lại vinh hoa phú quý trong hiện tại và tương lai, nhờ bố thí mà lòng tham, ích kỷ được giảm bớt.
Xuất phát từ giáo lý tốt đẹp đó, từ thời Đức Phật, Tăng đoàn được phép nhận các phẩm vật hợp pháp như hoa, thực phẩm, tiền bạc từ thí chủ cúng dường. Theo quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo thì nhân dân, Phật tử được tự do bố thí, cúng dường vào chùa để thể hiện lòng thành kính.
Bộ luật Dân sự Việt Nam hiện không có quy định cấm, hạn chế hành vi “xin” của cá nhân, tổ chức, cũng không quy định chi tiết hành vi “tặng cho”, do vậy, hành vi “khất thực” (xin) và “sớt bát cúng dường” (cho) đều được phép thực hiện và được pháp luật công nhận. Cụ thể, Bộ luật Dân sự có quy định về quyền tặng cho là quyền cơ bản của chủ sở hữu tài sản (Điều 194), quy định về giao dịch, hợp đồng tặng cho từ Điều 458 đến Điều 462.
Khoản 6, Điều 7 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo cũng quy định: Tổ chức tôn giáo có quyền “nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho”.
Như vậy, các văn bản pháp luật được viện dẫn nêu trên không có quy định cấm, hạn chế về các loại tài sản được phép dâng cúng, tặng cho. Do đó, cần hiểu rằng, một chủ thể được phép “sớt bát cúng dường” (bên tặng cho) một chủ thể khác là vị khất sĩ, nhà tu hành (bên nhận tặng cho) bất kỳ tài sản nào hợp pháp, tức là bao gồm: tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, bao gồm bất động sản và động sản. Hành vi dâng cúng nhà tu hành bằng hoa, thức ăn, vật phẩm hay tiền, giấy tờ có giá đều là hành vi hợp pháp.
Việc thực hiện hành vi cho tặng - nhận cho tặng bằng cử chỉ, nghi thức tôn giáo pháp luật không can thiệp nhưng việc thực hành nghi thức tôn giáo là quyền tự do tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Việc Phật tử quỳ, vái để thực hiện hành vi dâng cúng, thể hiện sự cung kính, ngưỡng mộ nếu không trái quy định pháp luật và phù hợp với giáo lý, truyền thống, phù hợp với đức tin của người thực hành nghi thức thì họ có quyền tự do thực hiện.
Lễ sớt bát cúng dường trong ngày Đại Lễ Vu Lan, Chùa Ba Vàng (Nguồn: Facebook Chùa Ba Vàng)
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền đoạn video, hình ảnh khất thực, cúng dường diễn ra tại chùa Ba Vàng (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), là một hoạt động trong Đại Lễ Vu Lan diễn ra tại Chùa với sự tham gia của hơn 10.000 nhân dân, Phật tử từ khắp tỉnh thành. Trong buổi lễ, Tăng đoàn chùa Ba Vàng đã thọ nhận vật phẩm cúng dường và hoạt động h này được phát qua một video trực tuyến trên mạng xã hội Facebook. Nội dung video cho thấy hình ảnh tăng đoàn đi khất thực trong khuôn viên chùa và thọ nhận nhiều phẩm vật gồm hoa, thực phẩm và tiền mặt do nhân dân, Phật tử dâng cúng.
Đoạn video trên đã nhận được những luồng ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, việc cúng dường là hoạt động bình thường nhưng nên đưa vào hòm công đức. Ý kiến khác lại bày tỏ, việc cúng dường như thế nào là tự tâm phát nguyện của Phật tử, chư Tăng Ni nhận cũng không có gì sai, bởi không thể bắt Phật tử phải cúng dường “đồ này, đồ kia”.
Về phía chính quyền địa phương, theo lãnh đạo TP. Uông Bí, qua kiểm tra hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại chùa Ba Vàng có thể thấy từ đầu năm đến nay, chùa tổ chức thực hiện các hoạt động đúng danh mục được Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Uông Bí thông báo với chính quyền địa phương theo quy định. Trong quá trình tổ chức các hoạt động, chùa đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ, đảm bảo vệ sinh môi trường đúng các quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và quy định của địa phương.
Phật tử tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng (Nguồn: Facebook Chùa Ba Vàng)
Liên quan hoạt động sớt bát cúng dường, đây là hoạt động được nhà chùa tổ chức thường niên vào các ngày chủ nhật hằng tuần, và khi chùa tổ chức đại lễ. Cụ thể, trong ngày 7-8 (10-7 âm lịch), chùa Ba Vàng có tổ chức lễ Vu lan báo hiếu với khoảng 10.000 người tham dự, trong đó hoạt động sớt bát cúng dường vào khoảng 11h trong khuôn viên chùa.
Qua làm việc ngày 15/8/2022 với UBND TP Uông Bí, do có nhiều ý kiến trái chiều nên nhà chùa đã đồng ý tạm rút clip chương trình khất thực trong Đại Lễ Vu Lan 10/07. Buổi làm việc của chính quyền TP. Uông Bí nhằm kịp thời làm rõ những thông tin không đúng trong dư luận, tuy nhiên, nhiều Phật tử cho rằng, việc yêu cầu dỡ bỏ video trên cần được xem xét hợp tình hợp lý hơn trong bối cảnh nhiều chùa khác trên cả nước cũng nhận tiền cúng dường khi khất thực và ở một số quốc gia Phật giáo thì việc này là bình thường.
Các khóa tu mùa hè tổ chức miễn phí dành cho các bạn trẻ trong nhiều độ tuổi (Nguồn: Facebook Chùa Ba Vàng).
Như đã nói ở trên, theo quy định trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, Phật tử được tự do cúng dường vào chùa để thể hiện lòng thành kính. Vì vậy, hành động chư Tăng chùa Ba Vàng nhận các phẩm vật như hoa, thực phẩm và tiền mặt do Phật tử cúng dường trong buổi sớt bát là không sai lệch với giáo lý, việc này cũng được pháp luật bảo hộ.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, kết luận đúng hay sai việc chư tăng Chùa Ba Vàng nhận tiền cúng dường, cần xét đến mục đích sử dụng của số tiền đó. Được biết, số tiền trên dùng để lo việc tứ sự cho chư Tăng, phần còn lại sử dụng cho các hoạt động phụng sự xã hội như tổ chức hoạt động từ thiện, các khóa tu miễn phí cho thanh thiếu niên, Phật tử thập phương, cũng như xây chùa cho Phật tử tu học. Việc này hoàn toàn hợp lý. Do vậy, chính quyền địa phương cần nhìn nhận sự và đưa ra cách xử lý sự việc sao cho “thấu tình đạt lý” hơn.