Thời gian vừa qua, Tòa soạn Phụ nữ & Pháp luật nhận được phản ánh của bạn đọc về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) Top Men đang được quảng cáo quá đà cùng với nhiều hoài nghi về chất lượng sản phẩm.
Tự ý “vẽ” thêm công dụng của sản phẩm
Tìm hiểu của PV, TPBVSK Top Men có “Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm” số 10705/2020/ĐKSP ngày 29/10/2020 và “Giấy xác nhận nội dung quảng cáo” số 3707/2020/XNQC-ATTP ngày 17/11/2020 do cục An toàn thực phẩm cấp cho chủ thể là công ty TNHH OPPORTUNITY Việt Nam (Địa chỉ: Số 10 TTGV, đường Trung Yên 6, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chịu trách nhiệm sản phẩm.
Sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng – công ty CP Dược phẩm SANTEX (Địa chỉ: Cụm công nghiệp Thanh Oai, thôn Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội).
Theo đó, sản phẩm Top Men chỉ được quảng cáo: “hỗ trợ bổ thận, hỗ trợ tráng dương, hỗ trợ mạnh gân cốt, hỗ trợ tăng cường sinh lực và hỗ trợ sinh ly nam giới, hỗ trợ làm giảm nguy cơ mãn dục nam sớm”.
Tuy nhiên, phản ánh của bạn đọc cho biết, trên website có tên miền topmen.vn đang có dấu hiệu cài cắm câu chữ để “thổi phồng” công dụng sản phẩm, tự ý “vẽ” thêm công dụng, quảng cáo “vượt phép” sản phẩm TPBVSK Top Men.
Vào vai khách hàng, liên hệ với số điện thoại 091537xxxx được công ty TNHH OPPORTUNITY Việt Nam đăng ký trên “Giấy xác nhận nội dung quảng cáo”, PV được một nam nhân viên của công ty này tư vấn. Người này khẳng định website topmen.vn là của công ty TNHH OPPORTUNITY Việt Nam.
Cụ thể, trên website topmen.vn quảng cáo “thời gian thuốc có công hiệu” như sau: “Sử dụng 1-7 ngày: Cơ thể cường tráng khỏe mạnh, minh mẫn, làm chủ mọi “cuộc vui” một cách dễ dàng; sử dụng 7-12 ngày: Cơ thể cường tráng khỏe mạnh, minh mẫn, làm chủ mọi “cuộc yêu” một cách dễ dàng; sử dụng 20-50 ngày: Giảm tối đa cách triệu chứng đau lưng, tiểu đêm, cải thiện thời gian quan hệ; sử dụng trên 50 ngày: Lấy lại phong độ thời trai trẻ, cơ thể dẻo dai, trẻ khỏe, luôn tự tin, đạt phong thái tốt nhất.”
Điều đáng nói, các công dụng này được quảng cáo giống với công dụng thuốc điều trị “yếu sinh lý”, rất dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Cùng với đó, website trên khẳng định “xử lý các vấn đề”: “Bị xuất tinh sớm; rối loạn cương dương; lãnh cảm tình dục; tinh trùng yếu, loãng; rối loạn xuất tinh; vô sinh, hiếm muộn”.
Dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng?
Chỉ từ một sản phẩm TPBVSK nhưng Top Men lại được công ty TNHH OPPORTUNITY Việt Nam “thần thánh hóa” như loại thuốc điều trị bệnh. Với những lời quảng cáo “mật ngọt” và vẽ thông công dụng “vượt phép” không khác gì một loại thuốc, người tiêu khó lòng phân biệt được công năng của sản phẩm.
Ngoài ra, để thu hút người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, công ty TNHH OPPORTUNITY Việt Nam còn đăng tải trên website topmen.vn hình ảnh của người bệnh, dạng nhận xét trước và sau khi sử dụng, trái với quy định của pháp luật.
Theo các chuyên gia y tế, TPCN hay TPBVSK chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Hành vi quảng cáo TPBVSK gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều công ty kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn muốn quảng cáo quá lên công dụng để thu hút người dùng.
Cũng theo các chuyên gia, hành vi của các doanh nghiệp quảng cáo TPCN/TPBVSK sẽ gây ra hiểu nhầm rất lớn cho người tiêu dùng. Không ít người vì tin lời quảng cáo, đã bỏ khá nhiều tiền ra mua về điều trị, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Nhất là đối với các bệnh sinh lý của nam, đây là một điều thầm kín, nhiều bệnh nhân thường giấu giếm, ít khi chia sẻ với người khác. Các trường hợp này rất dễ lọt bẫy khi xem những quảng cáo “lập lờ đánh lận con đen” như của sản phẩm Top Men.
Phụ nữ & Pháp luật sẽ tiếp tục theo sát và thông tin về vụ việc…
Tại khoản 3 điều 43 của Luật An toàn thực phẩm, quy định về quảng cáo thực phẩm như sau: “Người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, tổ chức, cá nhân có thực phẩm quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã được thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận”.
Tại khoản 4 điều 68 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo nói rõ: phạt tiền đến 40 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Tại quy định trong khoản 2 điều 27 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của bộ Y tế, các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm gồm: “Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.