Trong tuần giao dịch vừa qua, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán bán ròng hầu hết phiên trong tuần với giá trị trên trăm tỷ đồng mỗi phiên. Duy nhất phiên thứ Ba, khối tự doanh ghi nhận giá trị mua ròng 503 tỷ đồng với khối lượng 12,5 triệu đơn vị.
Kết thúc tuần, khối tự doanh bán ròng 468 tỷ đồng với khối lượng 42,7 triệu đơn vị.
Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.
Khối tự doanh tập trung mua/bán các mã nào?
Thống kê giao dịch chi tiết, khối tự doanh tập trung bán ra chứng chỉ quỹ FUEVFVND trong tuần với giá trị 976 tỷ đồng.
Tại giao dịch cổ phiếu, khối tự doanh bán cổ phiếu VPB nhiều nhất (259 tỷ đồng). Bên cạnh đó, top bán ra tuần qua còn ghi nhận ba cổ phiếu ngân hàng khác gồm TCB (233 tỷ đồng), MBB (132 tỷ đồng) và STB (89 tỷ đồng).
Cùng chiều, dòng vốn tự doanh còn rút khỏi cổ phiếu MWG (248 tỷ đồng). Liên quan đến cổ phiếu này, Thế Giới Di Động mới đây công bố kết quả kinh doanh khởi sắc trong năm 2020 với 108.546 tỷ đồng doanh thu và 3.920 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 6% và 2% so với năm 2019. Đáng chú ý, trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp chưa tháng nào ghi nhận lỗ.
Khối tự doanh còn bán ra 224 tỷ đồng cổ phiếu FPT, kế đến là VNM (216 tỷ đồng), HPG (191 tỷ đồng) và VHM (137 tỷ đồng).
Đáng chú ý, hai cổ phiếu VHM và HPG đều vừa đón nhận những thông tin tích cực. Trong đó, Hòa Phát vừa thông tin đã đưa lò cao số 4 của Khu Liên hợp gang thép Dung Quất vào vận hành tron tháng 1, nâng tổng sản lượng sản xuất thép thô trong tháng lên 670.000 tấn, tăng 67% so với cùng kỳ và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Phía Vinhomes cũng báo lãi kỷ lục 27.839 tỷ đồng trong năm 2020. Mã VHM cũng trở thành khoản đầu tư lớn nhất của quỹ Pyn Elite Fund tính đến cuối tháng 1 (tỷ trọng 9,82%).
Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.
Diễn biến trái chiều, khối tự doanh chủ yếu mua vào cổ phiếu TCB của Techcombank giá trị 254 tỷ đồng, theo sau đó là VPB (253 tỷ đồng), MWG (236 tỷ đồng), FPT (216 tỷ đồng).
Thu hút dòng vốn tự doanh trong tuần qua còn có cổ phiếu VNM (166 tỷ đồng), cùng với đó còn có HPG (165 tỷ dồng).
Hôm qua, Tập đoàn Kido thông tin sẽ chính thức cùng Vinamilk lập công ty liên doanh để phát triển sản phẩm đồ uống không gas và cho ra mắt thương hiệu kem Vibev. Theo kế hoạch, sản phẩm sẽ được đưa ra thị trường trong tháng 4 tới đây.
Đồng thời, phía Vinamilk thông tin sẽ rót 3 triệu USD vào công ty liên doanh tại Philippines. Đơn vị này có tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu là 6 triệu USD, hoạt động chính là nhập sữa, tiếp thị, phân phối sữa và các sản phẩm từ sữa tại thị trường Philippines.
Trong "họ Vingroup", trong khi cổ phiếu VHM lọt top bán ra, thì VRE và VIC lần lượt ghi nhận giá trị mua vào 143 tỷ đồng và 110 tỷ đồng.
Năm 2020 diễn ra không mấy tích cực cho Vincom Retail khi chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Tính chung cả năm 2020, Vincom Retail ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất 8.329 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 2.382 tỷ đồng, giảm 16,5% so với năm 2019.
Ngoài ra, khối này còn rót vốn cho hai mã ngân hàng MBB (164 tỷ đồng) và STB (120 tỷ đồng).