Tiền - Khác biệt trong khủng hoảng Covid

Đăng bởi KV

16/02/2021 06:37

Có một cuộc khủng hoảng khác ít được đề cập đến khi định hình cuộc khủng hoảng Covid hiện nay.

Ra Hà Nội công tác trước kỳ nghỉ Tết, lãnh đạo một ngân hàng thương mại (NHTM) có trụ sở tại TP.HCM tranh thủ cà phê với một số phóng viên.

"Theo các bạn, khủng hoảng Covid hiện nay khác với các cuộc khủng hoảng trước đây thế nào?", vị lãnh đạo ngân hàng trên đặt câu hỏi thảo luận.

KHÔNG THẤY NHỮNG CÁI "VỖ VAI"…

Phóng viên BizLIVE đưa ra một ý: Cuộc khủng hoảng Covid hiện nay là do tự nhiên, các cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 do con người và vận động trong nền kinh tế tạo ra.

Một ý kiến khác: Các cuộc khủng hoảng trước đây thường gãy cung hoặc gãy cầu, còn hiện nay gãy cả cung lẫn cầu.

Hầu hết các ý kiến đưa ra đều không đề cập đến một cuộc khủng hoảng khác.

Vị lãnh đạo NHTM nói trên nêu quan điểm: Khác biệt của cuộc khủng hoảng Covid hiện nay là tiền. Và ông đề cập đến cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu 2010-2011.

Những năm đó, cuộc khủng hoảng nợ công vỡ ra, nhiều quốc gia lâm vào tình trạng vay nợ và phải tiếp tục vay nợ để xử lý tình thế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải làm con thoi điều phối nguồn. Nhiều quốc gia rơi vào căng thẳng như Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ý…

Việt Nam năm 2020-2011 không nằm trong cuộc khủng hoảng đó, nhưng cũng có trạng thái căng thẳng riêng. Nóng nhất khi đó là lạm phát, lãi suất và tỷ giá leo thang. Với tỷ giá, để xoa dịu, Ngân hàng Nhà nước đã phải nhiều đợt bán ra ngoại tệ bình ổn thị trường, rồi đỉnh điểm là "cú phá giá lịch sử" vào tháng 2/2011…

Có một thông tin từ những người trong cuộc khi đó kể lại, chưa được kiểm chứng nhưng có thể tham khảo trong câu chuyện chung này: khi tỷ giá nóng bỏng và tình thế bán can thiệp căng thẳng, có tổ chức quốc tế "vỗ vai" và đặt tình huống cần hỗ trợ hay không. Tuy nhiên, Việt Nam đã tự vượt qua được giai đoạn đó, nguồn lực ngoại tệ suy giảm đáng kể khi can thiệp nhưng cũng nhanh chóng hồi phục trở lại ngay sau đó.

Khác biệt khủng hoảng Covid hiện nay, qua góc nhìn của vị lãnh đạo NHTM nói trên, là hầu hết các quốc gia trên thế giới đã tự chủ động ứng phó, tự lập các gói hỗ trợ, tự bơm tiền mà không phải các định chế như ECB và IMF đứng ra tạo nguồn vay mượn như cuộc khủng hoảng nợ công trước đây.

NGUỒN LỰC TỰ THÂN, KHÁC BIỆT SỨC HÚT

Tại Việt Nam năm 2020, thị trường cũng đã chứng kiến những dòng tiền lớn chảy trong nền kinh tế. Thị trường chứng khoán bùng nổ giá trị giao dịch, quy mô 17.000 - 20.000 tỷ đồng/phiên trở nên quen thuộc, thậm chí nhiều phiên quanh 1 tỷ USD. Trong khi đó, nguồn tiền chảy vào hệ thống NHTM vẫn tăng trưởng khá đều qua số dư huy động.

Về hỗ trợ, Chính phủ cũng xây dựng gói 62.000 tỷ đồng, các NHTM có các gói ưu đãi lãi suất hơn 350.000 tỷ đồng… Tuy nhiên, doanh nghiệp và người dân vẫn tự lực, tự thân là chính. Bởi lẽ, một phần lớn hỗ trợ là giãn nộp thuế, cuối cùng rồi cũng phải nộp; gói lãi suất ưu đãi rồi vẫn phải trả với chi phí đáng kể (như mức lãi suất 4,5-5%/năm ngắn hạn); gói lãi suất 0% thì quy mô quá nhỏ và phạm vi hẹp.

Trao đổi với BizLIVE trước kỳ nghỉ Tết vừa qua, TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cũng nhìn nhận rằng, trong cuộc khủng hoảng Covid, các doanh nghiệp Việt Nam tự cứu mình là chính, vì các gói hỗ trợ có hạn và khả năng tiếp cận và triển khai khác nhau; Chính phủ đứng sau tạo hỗ trợ mà chủ yếu là tạo niềm tin.

Về các dòng chảy, như trên, thị trường chứng khoán tạo hiện tượng của dòng tiền lớn. Giới đầu tư vẫn xem 2020 là con sóng tiền rẻ. Tuy nhiên, phó tổng giám đốc phụ trách khu vực phía Bắc của một NHTM nêu quan điểm với BizLIVE rằng, tiền rẻ chỉ một phần, con sóng trên thị trường chứng khoán vừa qua và hiện nay có khác biệt lớn về sức hút.

Theo quan điểm này, nếu trong những giai đoạn tăng trưởng trước đây, trong các cuộc khủng hoảng trước đây, nhiều ngành và lĩnh vực cùng cần tiền, cùng thu hút nguồn tiền đổ vào. Tăng trưởng tín dụng phổ biến trên 30%, thậm chí trên 50% để tạo nguồn vay mượn dàn trải.

Còn nay, Covid khiến tín dụng tăng trưởng thấp, nhiều ngành và lĩnh vực không hút tiền mạnh do gián đoạn cung - cầu, gián đoạn sản xuất… Các dòng chảy theo đó tập trung hơn vào thị trường chứng khoán; thậm chí nhiều doanh nghiệp cũng tranh thủ "vào sàn" khi hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ.

Với quan điểm đó, vị phó tổng giám đốc NHTM nói trên dự tính, khi cuộc khủng hoảng Covid được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh được nối lại bình thường, khác biệt về tiền trên thị trường chứng khoán sẽ nhạt đi, các dòng vốn có thể lui dần.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh tích cực, đại dịch Covid đã tạo cơ hội cho thị trường chứng khoán thu hút các dòng tiền, phát triển nhanh chóng số lượng nhà đầu tư. Nền tảng này dày lên, tạo cơ sở tiếp tục phát triển thị trường trong tương lai, khi tỷ lệ nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam vẫn còn rất nhỏ, chỉ vào khoảng 3% dân số. Còn lại là thị trường chứng khoán có giữ được chân lực lượng nhà đầu tư mới hay không để phát triển bền vững.

KV
Bạn đang đọc bài viết "Tiền - Khác biệt trong khủng hoảng Covid" tại chuyên mục Tin tức. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0836.196.146hoặc gửi về địa chỉ email (taichinhtieudung.mxh@gmail.com).