Hội thảo khoa học quốc tế về Đô thị hóa châu Á (Asian Urbanization Conference AUC 2024) lần thứ 16 được tổ chức tại Trường Đại học Việt Đức phối hợp với Hiệp hội nghiên cứu châu Á (AURA) cùng với sự hỗ trợ từ Quỹ Friedrich Naumann Việt Nam đã được tổ chức trong hai ngày 11 và 12/1.
Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề hiện tại và thách thức trong lĩnh vực nghiên cứu về đô thị hóa, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan gặp gỡ, chia sẻ các nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm về các khía cạnh đa dạng của đô thị hóa ở châu Á.
Hội thảo có sự tham gia của khoảng 100 học giả và khách tham dự. Trong đó, 5 khách mời phát biểu đề dẫn gồm: TS. Alfonso Vegara, Chủ tịch danh dự Tổ chức các đô thị lớn Metropoli; GS. Kim Don Yun, Chủ tịch Hiệp hội Đô thị thông minh Hàn Quốc; GS. Hans-Joachim Linke, Trường Đại học Kỹ thuật Darmstadt; TS. Nguyễn Quang, Chuyên gia cao cấp về đô thị và GS. George Pomeroy, Trường Đại học Shippensburg, Hoa Kỳ.
Hơn 40 bài tham luận của các học giả trong và ngoài nước đã thảo luận về các lựa chọn cho việc xây dựng đô thị đáng sống trong tương lai. Các phiên tham luận xoay quanh 4 nội dung chính: Chuyển đổi không gian; Đô thị thông minh hơn; Hạ tầng và biến đổi khí hậu; Xã hội và quản trị.
TS Thomas Aulig, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức cho biết, đây là lần thứ hai nhà trường đăng cai tổ chức AUC và là lần đầu tiên tại khuôn viên mới của trường tại Bến Cát, Bình Dương.
"Chúng tôi rất vinh dự được trở thành nơi tất cả các học giả, chuyên gia, học viên và sinh viên từ khắp nơi trên thế giới học hỏi và chia sẻ ý tưởng và đưa ra các giải pháp để duy trì tương lai đô thị", ông Thomas Aulig nói.
Bên cạnh các sự kiện khoa học, hội thảo cũng tổ chức các sự kiện bên lề như phiên thảo luận cho các nhà khoa học trẻ về định hướng phát triển nghề nghiệp, tổ chức tham quan sự phát triển thành phố Hồ Chí Minh, và giao lưu để các học giả và chuyên gia mở rộng mạng lưới hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo, và phát triển trong nước và quốc tế về phát triển đô thị bền vững.