Học sinh Trường THCS - THPT Thái Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM, trong một tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường. Các em phải làm bài tập, có chuyến phải làm bài kiểm tra ngay trong chuyến đi - Ảnh: TH.H.
Những vụ tai nạn, sự cố khi cho học sinh đi ngoại khóa, trải nghiệm đòi phải chuẩn hóa và đặt ra yêu cầu cao cho hoạt động này.
1.001 lý do để lo
"Con tôi đi ngoại khóa chỉ có 1 ngày, về đến nhà buổi chiều thì buổi tối cháu lên cơn sốt, người nóng hầm hập. Tôi hỏi chuyện con và lượm lặt những thông tin từ cô giáo chủ nhiệm, từ vài phụ huynh trực tiếp đi theo con mình mới biết nhà trường cho học sinh xuống tắm hồ bơi lúc 13h.
Xem hình chụp trong group lớp mới biết hồ bơi ở khu sinh thái ấy không có mái che, cũng không có một bóng cây. Vậy mà giữa trưa, trời nắng chang chang nhà trường cho các cháu xuống bơi, còn các thầy cô thì đứng trên bờ có dù che.
Đã vậy, con tôi còn nói chỉ được phát 1 chai nước suối (loại 350ml), thêm 1 bình nước 500ml ở nhà mang đi nữa; đi chơi ngoài nắng cả ngày mà uống ít nước như thế thì cảm, sốt là đúng rồi" - chị Phương, phụ huynh học sinh lớp 4 một trường tiểu học ở vùng ven TP.HCM, kể.
Chưa hết, chị T., phụ huynh có con đang học lớp 7 ở TP.HCM, còn phân tích: "Từ năm 2013 đã xảy ra một vụ việc gây chấn động dư luận cả nước khi 7 học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) bị sóng biển cuốn trôi trong chuyến dã ngoại ở biển Cần Giờ, TP.HCM. Thế nhưng, không hiểu sao các trường không rút kinh nghiệm. Cứ ngoại khóa là có tiết mục tắm biển hoặc tắm hồ bơi. Thế mới xảy ra vụ việc đau lòng đối với học sinh ở quận 8, TP.HCM mới đây".
Cũng theo chị T., việc tắm biển hay tắm hồ bơi là cực kỳ nguy hiểm đối với thiếu niên và thiếu nhi. "Hồi con tôi học lớp 5, tôi cảm thấy không yên tâm nên xin đi theo con trong chuyến ngoại khóa. Cứ hình dung hơn 300 học sinh lao xuống hồ bơi đùa giỡn, té nước với nhau còn giáo viên ngồi trên bờ tám chuyện thì làm sao phát hiện nếu sự cố xảy ra?" - chị T. nói.
Trải nghiệm hay du lịch với giá cắt cổ?
Theo một chuyên gia giáo dục ở TP.HCM, hiện nay các trường thi nhau tổ chức các chuyến đi trải nghiệm cho học sinh theo 2 dạng. Dạng thứ nhất có tên gọi hoạt động ngoại khóa, là hoạt động nhằm củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, tổ chức cho nhiều đối tượng khối lớp học sinh tham gia, không xác định được lượng kiến thức trong các môn học và có thu phí trên tinh thần tự nguyện của học sinh. Hoạt động này không kiểm tra đánh giá năng lực học sinh.
Dạng thứ hai là hoạt động học tập trải nghiệm, để tổ chức hoạt động này giáo viên bộ môn phải xây dựng kế hoạch dạy học bên ngoài nhà trường với nội dung kiến thức cụ thể. Trong đó, phải nêu rõ phương thức kiểm tra - đánh giá học sinh, tức là có chấm điểm học sinh đàng hoàng. Hoạt động này bắt buộc 100% học sinh phải tham gia. Tuy nhiên, các nhà trường phải xây dựng phương án thay thế cho những học sinh không trực tiếp tham gia được (các em sẽ học tập tại trường hoặc tại nhà).
Theo chuyên gia trên, hiện nay nhiều trường mới chỉ dừng lại ở hoạt động ngoại khóa chứ rất ít trường làm được hoạt động trải nghiệm thực sự. Và trên thực tế, nhiều trường đã cố tình nhập nhằng, thực chất là tổ chức hoạt động ngoại khóa nhưng lại lấy tên là hoạt động trải nghiệm để ép buộc học sinh phải tham gia. Các trường phối hợp với các công ty du lịch tổ chức hoạt động ngoại khóa nhưng thực chất chỉ là du lịch thuần túy với giá cắt cổ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay hầu hết các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP.HCM tổ chức hoạt động ngoại khóa hay trải nghiệm đều có phối hợp với một đơn vị lữ hành để thực hiện.
"Mức hoa hồng cho các trường dao động từ 10-25% trên tổng số tiền của tour tùy theo trường và tùy theo tour. Đây là thủ tục không thể thiếu vì nếu mình không biết điều, đơn vị lữ hành khác sẽ "nhảy" vào ngay với mức hoa hồng cao hơn! Mà bên em làm tour thì phải có lời. Thế nên, mức phí đặt ra mà mỗi học sinh phải đóng đương nhiên phải cao hơn bình thường" - T., nhân viên đối ngoại của một đơn vị lữ hành trên địa bàn TP, "bật mí".
Nhưng T. cũng thòng thêm: "Cũng có hiệu trưởng rất khẳng khái, không nhận tiền hoa hồng mà yêu cầu bên em phải giảm giá tour thấp hơn giá bình thường. Có người còn đòi miễn phí cho học sinh nghèo. Tiếc là những trường hợp này không nhiều".
Cần hội phụ huynh tham gia
Học sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM tham gia tiết học trải nghiệm tại Thảo cầm viên. Tuy nhiên, hiện nay rất ít trường tổ chức được những tiết học như thế này mà chủ yếu là các hoạt động ngoại khóa - Ảnh: H.HG.
Thừa nhận tất cả các hoạt động trải nghiệm của nhà trường đều có phối hợp với công ty du lịch, bà Lê Thúy Hòa - hiệu trưởng Trường THCS - THPT Thái Bình, quận Tân Bình, TP.HCM - cho rằng: "Việc dẫn học sinh đi học tập ở một vùng đất xa xôi không phải chuyện đơn giản. Nhà trường phải lên kế hoạch dạy học, kế hoạch kiểm tra - đánh giá, giáo viên đi theo không chỉ giám sát, đôn đốc, hỗ trợ mà còn có nhiệm vụ giáo dục học sinh.
Vì vậy, bắt buộc chúng tôi phải phối hợp với công ty du lịch để họ giúp mình về phương tiện vận chuyển, ăn uống, ngủ nghỉ, tổ chức các hoạt động team building cho học sinh chứ nhà trường không thể "ôm" hết.
Vấn đề là nhà trường có nhận khoản "lại quả" của các công ty du lịch hay không. Hơn nữa, cái quan trọng nhất là khi đi trải nghiệm như vậy, học sinh sẽ học được gì, rèn được những kỹ năng nào. Nếu làm tốt và bài bản thì phụ huynh sẽ tin tưởng thôi".
Bà Hòa chia sẻ Trường Thái Bình đã tổ chức nhiều chuyến trải nghiệm cho học sinh, trong đó có những chuyến kéo dài cả tuần và vẫn được phụ huynh ủng hộ.
"Tôi cho rằng trong bối cảnh như hiện nay, ở các trường mà phụ huynh còn bất an, còn thắc mắc về việc tổ chức hoạt động ngoại khóa - trải nghiệm thì ban đại diện cha mẹ học sinh nên vào cuộc, cùng nhà trường chọn lựa, đàm phán với công ty du lịch để có mức phí phù hợp. Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng có thể góp ý với nhà trường về các hoạt động của chuyến đi sao cho đạt được mục tiêu giáo dục học sinh" - bà Hòa nói.
Theo hiệu trưởng một số trường trung học đã tổ chức thành công các chuyến trải nghiệm cho học sinh thì mỗi đợt đi trải nghiệm không nên quá 100 học sinh. Trong đó, 1 giáo viên quản lý tối đa 10 học sinh vì học sinh đông quá thì học tập không hiệu quả, giáo viên cũng rất khó sâu sát.
"Cưỡi ngựa xem hoa"
"Chương trình có nhiều tên gọi rất hay nhưng thực chất chỉ là cho học sinh đi tham quan theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa". Tôi đã từng chứng kiến có trường cho gần 400 học sinh cùng lúc vào thăm 1 bảo tàng nhưng thời gian chỉ có 60 phút. Có học sinh bộc bạch là bị các bạn chen lấn nên chưa xem được hết bảo tàng, nói gì đến việc củng cố kiến thức hay rèn luyện kỹ năng" - một phụ huynh nói.
Mầm non cũng trải nghiệm
"Trường của con tôi là trường mầm non mà cũng tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm ở một khu vui chơi dành cho trẻ em trên địa bàn TP. Giá vé ở khu đó là 170.000 đồng/bé 4 tuổi mà giá tour nhà trường phối hợp với bên du lịch đưa ra là 350.000 đồng, có thêm bữa trưa và bữa xế. Đúng là giá cắt cổ! Vậy nhưng con tôi cứ khóc lóc đòi đi chung với các bạn, với cô giáo khiến tôi đành phải chiều con và xin nghỉ 1 ngày để đi theo chứ không yên tâm.
Các bé 4 tuổi lên xe ói tùm lum, rồi bị cô giáo la, rồi khóc inh ỏi. Nhiều bé vào khu vui chơi nhưng không chơi vì mệt. Chưa kể các bé liên tục xin đi vệ sinh mà nhà vệ sinh ở khu vui chơi đâu có ở ngay trong phòng học như ở trường mầm non. Tại sao không để phụ huynh tự đưa con mình đi trải nghiệm, mấy khu vui chơi này nằm ngay trong thành phố cơ mà?".
Một phụ huynh ở TP.HCM