Nguyên gốc của hệ thống giao dịch tại HOSE là của sàn Chicago, chứ không phải do Thái Lan xây dựng.
CÓ HAY KHÔNG VIỆC CAN THIỆP LỆNH VÀO HỆ THỐNG?
Trải qua một tuần giao dịch với biến động rất mạnh vừa qua, ông Vũ Huy Hoàng, nhà đầu tư tại Tp.HCM đã chỉ ra những cổ phiếu cụ thể, có diễn biến thị giá bất thường trên sàn HOSE và đặt câu hỏi rằng, phải chăng thuật toán đưa lệnh vào sàn HOSE đang... thiên vị?
Ông Hoàng căn cứ vào hiện tượng thị trường chứng khoán dễ tắc nghẽn ở ngưỡng thanh khoản 15.000 - 16.000 tỷ đồng và khi gần chạm ngưỡng này, giao dịch nhiều mã có dấu hiệu loạn. Có mã lệnh bán đang sàn hàng loạt, tự nhiên có lệnh mua đẩy ra mua trần; có mã đang trần, tự nhiên có những lệnh đẩy bán sàn; có mã thanh khoản chỉ vài nghìn, tự nhiên xuất hiện lệnh chào hàng trăm nghìn cổ phiếu, làm thay đổi giá chốt một cách bất ngờ...
Những hiện tượng trên khiến ông Vũ Huy Hoàng chỉ ra 2 loại rủi ro. Thứ nhất là rủi ro hệ thống, nhà đầu tư bị đứt quãng việc thoát hàng. Thứ hai là rủi ro giá cổ phiếu bị thao túng, đúng vào những lúc hệ thống sắp nghẽn, khiến cổ đông vừa bức xúc, vừa cảm nhận sự mất công bằng rõ nét trên thị trường.
Tình trạng nghẽn lệnh có thể còn kéo dài do việc xây dựng hệ thống công nghệ mới chưa thể hoàn tất vì lý do đại dịch. Như ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, đại dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra vào đầu năm 2020 khi nhiều hạng mục trong gói thầu 04 xây hệ thống công nghệ thông tin kết nối toàn thị trường chứng khoán Việt Nam đi đến giai đoạn gần hoàn thiện.
Trong bối cảnh đại dịch bùng phát trên toàn cầu, các chuyên gia của Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) không thể sang Việt Nam để xử lý tiếp các yêu cầu của hệ thống mới. Đến gần cuối năm, họ mới sang được để tiếp tục các nỗ lực hoàn thiện công nghệ. Dự kiến sau Tết Nguyên đán 2021 sẽ chạy thử để khớp nối tất cả các công ty chứng khoán thành viên.
Giải thích của nhà quản lý chưa làm nguôi đi những bức xúc trực diện từ nhà đầu tư về rủi ro họ phải đối mặt. Nhà đầu tư hiện tại đang phải chấp nhận sống chung với tình trạng hệ thống có khả năng tắc nghẽn và những thắc mắc về quyền giao dịch ưu tiên, nghi vấn thao túng, làm giá dần loang rộng ra nhiều người.
THUẬT TOÁN CHỌN LỆNH VÀO SÀN HOSE
Mang những thắc mắc từ nhà đầu tư, cụ thể là về thuật toán chọn lệnh vào khớp tại HOSE khi hệ thống chạm đến ngưỡng quá tải, đến người đứng đầu Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM, ông Lê Hải Trà, HOSE, câu trả lời khác với những gì nhà đầu tư suy đoán. Ông Trà khẳng định, HOSE không can thiệp hệ thống và không thể can thiệp được. "Hệ thống tự bảo vệ nó trước sự gia tăng của luồng lệnh vào từ công ty chứng khoán", ông nói.
Theo ông Trà, nguyên gốc của hệ thống giao dịch tại HOSE là của Chicago, chứ không phải do Thái Lan xây dựng. Người Thái, khi làm thị trường chứng khoán đã chọn cách đi tắt đón đầu, mua hệ thống từ thị trường lâu đời nhất thế giới, lúc đó là tại Chicago. Hệ thống giao dịch tại Chicago lại thuộc bản quyền của một công ty ở Anh. Khi thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa năm 2000 và nhận lại hệ thống giao dịch từ Thái Lan, hệ thống đã mang sẵn những đặc tính của quá khứ. "Trong yêu cầu bảo vệ hệ thống, thuật toán từ Chicago đã được định sẵn và quá tầm tư duy, sửa đổi của chúng ta", ông Trà nói.
Thực tế, hệ thống nào cũng chỉ chịu tải được một lượng lệnh giới hạn, chứ không thể vô biên. Tại Việt Nam, bài toán hệ thống đã không lường trước được câu chuyện lượng lệnh có những ngày vào sàn vượt quá dung lượng tiếp nhận. Khi diễn biến này xảy ra, việc giữ an toàn hệ thống tại sàn HOSE được thực hiện theo thuật toán do cách sàn Chicago đặt ra.
Thuật toán như sau: trong dung lượng tối đa sàn tiếp nhận được, chẳng hạn là 900.000 lệnh/phiên, hệ thống tự động dành 20% cho lệnh dự phòng. 80% còn lại chia cho công ty chứng khoán theo 2 vòng. Vòng 1, chia đều mỗi công ty khoảng 3.000 lệnh. Phần này, các công ty chứng khoán đều được chia như nhau, kể cả công ty đã dừng hoạt động. Sau khi chia xong vòng 1, đến vòng 2, dung lượng lệnh sẽ được chia theo tỷ trọng lấy số lệnh vào hệ thống bình quân từ 30 ngày gần nhất của từng công ty để làm căn cứ chia lệnh vào mới. Cách này nhằm tối ưu hóa tài nguyên của hệ thống đang vận hành.
Thuật toán cũng định sẵn rằng, khi hệ thống chạy hết 80% dung lượng được phép (chủ yếu lệnh vào từ các công ty chứng khoán trong TOP 20 thị trường), nó sẽ chuyển sang cho phép nhận tiếp 20% dung lượng dự phòng. Phần 20% này không tính theo cách phân bổ lệnh với từng công ty, mà công ty nào nhập trước sẽ vào trước. Khi dung lượng lệnh dự phòng dùng hết, hệ thống sẽ dừng nhận lệnh của các chủ thể chạm ngưỡng tối đa. Vào thời điểm đó, do thị trường vẫn có những công ty chứng khoán quá nhỏ, chưa dùng hết dung lượng được cấp, nên hệ thống vẫn nhấp nháy lệnh chạy vào qua các công ty loại này. Thuật toán đã được định sẵn này không cho phép HOSE thay đổi hay có thể tác động theo kiểu "ra đầu bài" chọn lệnh, như cách nhà đầu tư đặt nghi vấn.
NĂM MỚI, CẦN GIẢI PHÁP MỚI ĐỂ THÔNG LỆNH
Theo thông lệ, khi xây dựng hoặc nâng cấp năng lực hệ thống giao dịch, thông thường, mức dự phòng chỉ gấp 3 lần nhu cầu dự tính để đạt mục tiêu an toàn và hiệu quả trong bài toán tổng thể đầu tư. "Giống như kinh doanh vận chuyển hàng không, với dự kiến phục vụ 100 hành khách, nhà đầu tư sẽ mua máy bay 300 chỗ, chứ không mua loại 1.000 chỗ. Đầu tư hệ thống công nghệ cũng vậy. Không ai nghĩ đến việc hệ thống cần có dung lượng gấp 10 lần bởi đầu tư là tốn kém", ông Trà nói.
Câu chuyện thị trường chứng khoán Việt Nam tăng vọt thanh khoản trong năm 2020 là điều không được lường trước. Nếu như từ năm 2019 trở về trước, thanh khoản trên sàn đạt 4.000 - 5.000 tỷ đồng là đã cao thì sang năm 2020, thị trường chứng khoán chứng kiến những phiên thanh khoản gần 1 tỷ USD, gấp 4-5 lần mức cao nhất của quá khứ. "Các công ty chứng khoán trong TOP 20 có lượng lệnh vào sàn tăng trên 3 lần; số lệnh chung của tất cả các công ty chứng khoán tăng 5-6 lần, cá biệt có một số công ty có số lệnh vào san 13-18 lần. Số lệnh vào sàn nhiều phiên vượt quá dự kiến của cả hệ thống, khiến thị trường chứng khoán Việt Nam bị nghẽn lại một cách bất khả kháng", ông Trà chia sẻ.
Trước tình trạng nghẽn lệnh tại HOSE, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chỉ đạo HOSE nâng đơn vị giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô để hạn chế giao dịch lô lẻ. Giải pháp này thực hiện từ ngày 4/1/2021, nhưng tình trạng nghẽn lệnh vẫn xảy ra hoặc có dấu hiệu xảy ra khi thanh khoản chạm đến mức 15.000 -16.000 tỷ đồng. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã chỉ đạo HOSE yêu cầu các công ty chứng khoán rà soát, hạn chế lỗi phát sinh từ phía công ty, hạn chế giao dịch tự động... nhằm tránh tác động xấu đến hệ thống, thực hiện rà soát nội bộ, kiểm soát rủi ro, hạn chế lỗi có thể xảy ra đối với hệ thống giao dịch, tăng cường trực ca vào thời gian giao dịch cao điểm.
Về dài hạn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu HOSE và các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đưa hệ thống mới sớm vào hoạt động, thay thế cho hệ thống hiện nay trong thời gian sớm nhất để giải quyết triệt để vấn đề quá tải hệ thống giao dịch. Từ phía HOSE, ông Trà cho biết, Sở đang và sẽ nỗ lực tối đa cho việc hoàn thiện hệ thống mới một cách sớm nhất.
Trong góc nhìn từ thị trường, ông Lê Văn Cường, một nhà đầu tư lớn cho rằng, xã hội có thể thông cảm cho HOSE vì lỗi bất khả kháng, nhưng nếu để tình trạng này kéo dài thì thị trường chứng khoán sẽ méo mó đi.
Theo suy đoán của ông Cường, một số nhà đầu tư có lẽ hiểu được nguyên tắc thuật toán lệnh vào sàn tại HOSE, nên đã mở tài khoản ở những công ty chứng khoán rất nhỏ. Trong trường hợp thị trường trục trặc, họ có thể tác động vào giá phiên 3 chỉ bằng một lượng nhỏ cổ phiếu cũng có thể thay đổi bản chất cung cầu sẵn có. "Trong tình hình hiện tại, nhà quản lý phải tìm ra cách để không bị nghẽn nữa. Cách đơn giản nhất là nâng tiếp đơn vị giao dịch, từ 100 hiện nay lên 200 - 300, thậm chí lên đến 1.000 cổ phiếu/lô để giữ giao dịch thông suốt và tránh rủi ro khách quan cho nhà đầu tư", ông Cường kiến nghị. Các lệnh giao dịch nhỏ hơn có thể xử lý theo cách khác, giao dịch tại công ty chứng khoán chẳng hạn.