"Ngày xưa các vương quốc xây dựng quân đội. Giờ các nước xây dựng quỹ đầu tư quốc gia", bà Jayne Bok, Giám đốc bộ phận quỹ quốc gia châu Á tại công ty tư vấn Towers Watson nói với Wall Street Journal năm 2015.
Mọi quốc gia đều có dự trữ ngoại hối nhà nước, thường là các ngoại tệ mạnh như USD, euro, yen. Khi dự trữ tích lũy vượt quá nhu cầu trước mắt, đất nước có thể thành lập quỹ đầu tư quốc gia để quản lý nguồn lực "dư thừa".
Nói một cách dễ hiểu, quỹ đầu tư quốc gia là kho chứa của cải cho thế hệ tương lai nhưng chúng cũng thường được sử dụng trong những thời kỳ biến động. Cơ quan Đầu tư Kuwait (KIA) đóng vai trò then chốt trong việc tài trợ chính phủ sau khi bị Iraq xâm lược vào năm 1990.
Sau cuộc khủng hoảng thế chấp năm 2006-2008, các quỹ đầu tư quốc gia Kuwait, Qatar, Abu Dhabi, Singapore, ... đã giúp giải cứu các ngân hàng phương Tây gặp khó khăn như CitiGroup, Merrill Lynch, UBS và Morgan Stanley, theo Investopedia.
Quỹ đầu tư quốc gia đã tồn tại từ những năm 1950, nhưng quy mô và số lượng của chúng trên thế giới đã tăng lên đáng kể trong vài thập kỷ qua.
Theo IMF, năm 1990, các quỹ đầu tư quốc gia cùng lắm chỉ quản lý số tài sản khoảng 500 tỷ USD. Đến 2020, trên thế giới có hơn 91 quỹ đầu tư quốc gia với tổng tài sản đang quản lý lên đến 8.200 tỷ USD. Đa phần mỗi nước chỉ có một quỹ đầu tư quốc gia nhưng cũng có ngoại lệ, ví dụ như Singapore và Trung Quốc.
Dưới đây là 8 quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới.
1. Quỹ Hưu trí Chính phủ Na Uy
Đây là quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới. Theo dữ liệu từ Viện SWFI, quỹ này quản lý hơn 1.100 tỷ USD tài sản tính đến tháng 1/2021. Hầu hết tài sản của quỹ gắn với cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản.
Quỹ này dùng doanh thu của chính phủ từ các ngành nhiên liệu hóa thạch để đầu tư vào các lĩnh vực bền vững hơn. Mục đích là chuẩn bị cho tương lai khi Na Uy không thể tiếp tục dựa vào thu nhập từ dầu mỏ.
Chính phủ Na Uy được tự do sử dụng đến 3% giá trị tài sản quỹ cho các mục đích xã hội, tương đương khoảng 33 tỷ USD.
2. Công ty đầu tư Trung Quốc (CIC)
CIC được thành lập nhằm đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc, đồng thời tối đa hóa lợi nhuận trong mức rủi ro chấp nhận được. CIC có 1.045,7 tỷ USD tài sản đang quản lý.
Trong thời gian đầu sau khi thành lập năm 2007, các khoản đầu tư chính của CIC là trái phiếu và cổ phiếu. Tài sản thay thế chỉ chiếm 6% danh mục đầu tư trong năm 2009. Đến cuối năm 2019, các tài sản ngoài trái phiếu, cổ phiếu và tiền mặt của CIC đã chiếm đến 42% danh mục, Bloomberg cho biết.
3. Cơ quan đầu tư Abu Dhabi (ADIA)
ADIA được thành lập bởi chính phủ Abu Dhabi vào năm 1976, là quỹ tài đầu tư quốc gia lớn nhất ở Trung Đông. Khối tài sản ADIA quản lý có quy mô 579,6 tỷ USD.
Báo cáo mới nhất cho biết tính đến cuối năm 2018, tỷ suất sinh lợi chuẩn hóa hàng năm giai đoạn 20 năm và 30 năm của AIDA lần lượt là 5,4% và 6,5%.
Các danh mục tài sản lớn mà AIDA đầu tư bao gồm quỹ chỉ số; cổ phiếu nội địa và cổ phiếu nước ngoài; chứng khoán có thu nhập cố định, trái phiếu Kho bạc, bất động sản và cơ sở hạ tầng.
4. Danh mục Đầu tư của Cơ quan Tiền tệ Hong Kong
Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (HKMA) là quỹ đầu tư của Đặc khu Hành chính Hong Kong. Danh mục của HKMA đầu tư chủ yếu vào trái phiếu và thị trường cổ phiếu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tỷ trọng phân bổ mục tiêu là 71% trái phiếu, 29% cổ phiếu. Năm 2019, quỹ này báo cáo tỷ suất lợi nhuận đầu tư là 6,2%, theo Investopedia.
5. Cơ quan Đầu tư quốc gia Kuwait (KIA)
KIA là quỹ đầu tư quốc gia lâu đời nhất trên thế giới, được thành lập năm 1953. Lượng tài sản đang quản lý của quỹ có quy mô 533,7 tỷ USD.
Quỹ này được thành lập với mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế Kuwait và giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ. KIA chịu trách nhiệm quản lý và điều hành Quỹ Dự trữ Chung và tài sản của Quỹ Thế hệ Tương lai, cùng với bất kỳ quỹ nào khác được Bộ trưởng Bộ Tài chính Kuwait ủy thác. Hàng năm, 10% tổng thu nhập của Kuwait được chuyển vào Quỹ Thế hệ Tương lai.
Theo các thông tin công khai trên thị trường tài chính, KIA sở hữu 19,2% ngân hàng Bank of Bahrain and Kuwait (BBK) và hơn 24% cổ phần Kuwait Finance House.
6. GIC Private Limited (GIC)
GIC, quỹ đầu tư quốc gia của Singapore, là quỹ lớn thứ 6 trên thế giới với tài sản đang quản lý trị giá 453,2 tỷ USD.
GIC không báo cáo các chi tiết chính xác về quỹ trong thông báo lãi lỗ hàng năm. Nếu tiết lộ con số chính xác, GIC sẽ để lộ ra quy mô dự trữ tài chính của Singapore một cách không cần thiết, khiến các nhà đầu cơ dễ dàng đặt cược chống lại đồng đô la Singapore (SGD). Tuy nhiên, GIC tiết lộ một vài chỉ số 5, 10 và 20 năm.
Trong giai đoạn 20 năm kết thúc tháng 3/2019, tỷ suất sinh lời chuẩn hóa hàng năm của GIC cao hơn tỷ lệ lạm phát toàn cầu 3,4%
7. Temasek Holdings
Temasek, công ty đầu tư của Singapore có 417,4 tỷ USD tài sản đang quản lý. Hội đồng quản trị của Temasek chủ yếu bao gồm các thành viên độc lập, được bổ nhiệm từ khu vực tư nhân. Cổ đông duy nhất là Bộ Tài chính Singapore.
Sử dụng dự trữ của chính phủ, Temasek tập trung đầu tư vào Singapore, Trung Quốc và Bắc Mỹ, châu Âu và một số nền kinh tế mới nổi. Tính từ khi thành lập năm 1974 đến 2019, lợi nhuận hàng năm của Temasek là 15%.
8. Quỹ An sinh Xã hội Quốc gia Trung Quốc (NSSF)
NSSF được thành lập chủ yếu để cung cấp quỹ dự trữ cho hệ thống an sinh xã hội của Trung Quốc. Quỹ được quản lý bởi Hội đồng Nhà nước về Quỹ An sinh xã hội. Tài sản đang quản lý của quỹ này có quy mô 372,1 tỷ USD. Investopedia cho biết 92% tổng tài sản của NSSF được đầu tư trong nước.
Các nguồn tài trợ của quỹ bao gồm tiền được phân bổ từ chính phủ trung ương, chuyển nhượng vốn nhà nước, lãi đầu tư và vốn huy động bằng các phương thức khác được Hội đồng Nhà nước phê duyệt.