Quỹ đất khổng lồ nhờ BT
Về bản chất, BT hay BOT là hình thức mua sắm công thông thường mà Nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt (đổi đất). Tuy nhiên, loại hình đầu tư này được nhiều chuyên gia cảnh báo về tính minh bạch, nhiều hệ lụy tiêu cực như móc ngoặc, tham nhũng, trục lợi chính sách.
Nếu TP HCM có điểm "nóng" là Thủ Thiêm, thì tại Hà Nội, nhắc đến BT cũng "gợi nhớ" đến không ít tên tuổi lớn như Nam Cường, Bitexco hay nhiều doanh nghiệp có tiếng khác. Trong đó, Tập đoàn Nam Cường là một trong những cái tên đình đám nhất. Phần lớn quỹ đất khổng lồ có được là do tập đoàn này tham gia vào các dự án BT trong quá khứ.
Năm 2008, Nam Cường xây dựng tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông theo hình thức BT có chiều dài 5,1km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng, đổi lại, Nam Cường được Hà Nội giao khu đất có diện tích gần 200ha để phát triển khu đô thị Dương Nội. Nếu tính với giá thành này, thì Nam Cường chỉ phải trả khoảng 300.000 đồng để đổi lấy một m2 "đất vàng".
Một năm sau đó, Nam Cường tiếp tục liên danh cùng với một công ty khác để tham gia dự án xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài cũng theo hợp đồng BT. Tuyến đường dài khoảng 2,7km với tổng mức đầu tư 676 tỷ đồng và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010.
Với việc tham gia dự án này, tập đoàn Nam Cường đã gia tăng quỹ đất với diện tích 46,1ha (tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm và phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội). Khu đất này được Nam Cường phát triển thành dự án khu đô thị Phùng Khoang.
Tập đoàn Nam Cường còn hướng đến quỹ đất hàng ngàn ha khi quyết định tham gia đầu tư dự án đường trục kinh tế Bắc Nam (tỉnh Hà Tây cũ). Thực hiện dự án này, Nam Cường sẽ được giao quỹ đất hai dự án Khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai), quy mô 1.124 ha và Khu đô thị Thạch Thất (huyện Thạch Thất), quy mô 922 ha.
Tuy nhiên, đến năm 2013, dự án trục đường kinh tế Bắc Nam ngừng triển khai, Nam Cường buộc phải trả lại cho Hà Nội 2 dự án trên vì không phù hợp với định hướng quy hoạch của thành phố.
Với việc sở hữu những lô đất khổng lồ ở Hà Nội, trong những năm qua, Nam Cường đã cắt dần những phần nhỏ để bán cho nhiều nhà đầu tư thứ cấp thực hiện dự án.
Riêng với những dự án do chính Nam Cường triển khai, sau khi công bố quy hoạch hoành tráng, doanh nghiệp thường để chậm hàng chục năm. Thậm chí, đến khi bắt tay vào thi công thì rơi vào tình trạng chậm tiến độ liên tục. Như khu đô thị Dương Nội, dự án khởi công xây dựng từ năm 2008 trên quỹ đất đối ứng của thành phố. Theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2015, nhưng đến nay dự án vẫn còn tiếp tục dang dở.
"Ông lớn" kinh doanh tụt lùi?
Nam Cường tiền thân là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp & xây dựng Xuân Thủy, được thành lập từ năm 1984. Sau hơn 35 năm phát triển, Nam Cường Group đã có những bước tiến vượt trội.
Đến cuối năm 2016, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch Lê Thị Thuý Ngà góp 4.230 tỉ đồng, tương đương sở hữu 94%. Ái nữ của bà Ngà là bà Trần Thị Quỳnh Ngọc (sinh năm 1991) nắm giữ 3% vốn.
Vài năm gần đây, kết quả kinh doanh của Nam Cường... thụt lùi. Năm 2019, doanh thu thuần của Nam Cường đạt 229,3 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Lãi ròng cũng chỉ ở mức 28,6 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với mức lợi nhuận năm 2018, 85 tỷ đồng.
Con số này không chỉ thấp so với những năm trước và ngày càng nhỏ đi nếu so với quy mô của tập đoàn này. Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Nam Cường đạt hơn 7.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 5.045 tỷ đồng.
Một điểm đặc biệt là một số chi nhánh của Nam Cường tại các địa phương rất quy mô, thậm chí còn lớn trụ sở chính.
Năm 2019, doanh thu thuần chi nhánh Hà Tây của Nam Cường đạt 1.067 tỷ, lãi ròng ở mức 390 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của chi nhánh này đạt gần 7.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 900 tỷ đồng.
Hay như chi nhánh Hải Dương, doanh thu hai năm 2017 và 2018 đều đạt trên 300 tỷ đồng với lãi ròng đạt lần lượt 51 tỷ và 100 tỷ đồng.
Ngoài các chi nhánh, Nam Cường Group cũng mở rộng mạng lưới với hàng loạt đơn vị thành viên để thực hiện phát triển dự án như Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Đông Hải, Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Đô thị Evergreen, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đô thị, Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Nam Cường… Quy mô tài sản một số doanh nghiệp nhóm này đã vượt ngưỡng nghìn tỷ đồng.
K Vân
Link nội dung: https://tinhhoathoidai.vn/cac-du-an-bt-nuoi-lon-tap-doan-nam-cuong-nhu-the-nao-a908.html