Theo đó, dự án Khu đô thị Sài Gòn – Bình An tọa lạc tại phường An Phú, quận 2, TP HCM do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (gọi tắt là SDI) làm chủ đầu tư. Đáng chú ý, dự án có diện tích 117 ha chiếm 11% trên tổng số đất tự nhiên của phường An Phú ((1.042 ha).)
Từ giữa năm 2016, một loạt hợp đồng thế chấp được SDI thực hiện với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (gọi tắt là Sacombank) với giá trị tài sản đảm bảo lên đến 19.492 tỷ đồng.
Thông thường, các khoản vay bất động sản được các nhà băng cho vay với giá trị 70 – 90% tài sản đảm bảo, nghĩa là số tiền Sacombank giải ngân vào dự án này có thể lên hơn chục nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, dự án này không “nằm im tại chỗ”, chỉ trong thời gian ngắn, hợp đồng giao dịch đảm bảo được thay đổi tới 8 chi nhánh khác nhau của Sacombank. Cụ thể, Chi Nhánh Trung Tâm, chi nhánh Sài Gòn, chi nhánh Bến Thành, chi nhánh Gò Vấp, chi nhánh Quận 12, chi nhánh Chợ Lớn, chi nhánh Củ Chi và chi nhánh Quận 8.
Tại thời điểm cuối năm 2016, báo cáo tài chính riêng ngân hàng mẹ Sacombank cho biết, nhà băng này có tổng tài sản hơn 320.000 tỷ đồng, với vốn chủ sở hữu hơn 18.800 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng đến cuối năm 2016 cũng chỉ hơn 190.000 tỷ đồng.
Giả định giá trị giải ngân chỉ chiếm 70% giá trị tài sản đảm bảo dự án thì Sacombank thời điểm đó có thể đã chi tới hơn 13.600 tỷ đồng, tương đương 72% vốn chủ sở hữu.
Việc này đã khiến giới đầu tư “đồn đoán” về những bí ẩn đằng sau việc giữa lúc khó khăn Sacombank vẫn đổ một lượng tiền lớn như vậy vào một dự án “trên giấy” chưa có pháp lý rõ ràng?!
Tiếp đó, sau gần 5 năm Sacombank “sa lầy” vốn tại dự án Sài Gòn – Bình An. Mới đây, cả dự án và khoản đảm bảo đều có chuyển động mới. Nhưng là khía cạnh không mấy tích cực với Sacombank.
Theo đó, từ tháng 4/2020, nhiều trang rao bán bất động sản đồng loạt đăng tin về dự án này. “Dự án khu đô thị Him Lam Bình An vừa được phê duyệt 1/500, giá chào bán dự kiến 230 triệu/m2” – tiêu đề trên một tin rao bất động sản thời điểm đó. Cái tên Him Lam Bình An, phần nào, cũng phản ánh việc Tập đoàn Him Lam được cho là đang dồn lực đầu tư, phát triển.
Nhưng khi dự án này sắp được khởi động trở lại chuẩn bị cho trái ngọt sau nhiều năm được Sacombank đứng sau vun trồng thì bất ngờ khoản tài sản đảm bảo gắn liền với dự án này được chuyển dần về tay Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (gọi tắt là LienVietPostBank) khiến nhiều người ngỡ ngàng vì hiện giá trị dự án đã tăng gấp nhiều lần so với trước.
Cụ thể, ngày 23/9/2019, 15/1/2020, 17/6/2020, 23-26-29/6/2020 và 14/8/2020, các nội dung liên quan đến giao dịch đảm bảo của SDI đã được thay đổi. Theo đó, đơn vị nhận cầm cố dự án liên quan đến doanh nghiệp này được thay đổi sang thành LienVietPostBank.
Điều này đặt ra nhiều nghi vấn, đặc biệt với mối quan hệ tay 3 đầy bí ẩn giữa Him Lam – Sacombank và LienVietPostBank. Tại sao Sacombank chấp nhận chôn vốn chục nghìn tỷ đồng trong nhiều năm, nhưng khi dự án rục rịch được triển khai thì miếng bánh ngon lại về tay LienVietPostBank một cách khó hiểu?
Bởi, SDI được biết đến là một doanh nghiệp có liên quan đến Tập đoàn Him Lam của doanh nhân Dương Công Minh, người đã chính thức trở thành Chủ tịch Sacombank từ tháng 6/2017 (ngay sau khi Dự án Khu đô thị Sài Gòn – Bình An được thế chấp tại Sacombank).
Trước khi trở thành Chủ tịch Sacombank ông Dương Công Minh chính là ông chủ người sáng lập LienVietPostBank.
KV
Link nội dung: https://tinhhoathoidai.vn/tai-sao-20000-ty-dong-chay-tu-sacombank-sang-lienvietpostbank-a882.html