Trong lúc chờ chuyên gia nước ngoài (đang kẹt chưa sang Việt Nam được vì Covid-19) để nâng cấp hệ thống, “quả bóng” trách nhiệm được đẩy sang nhà đầu tư, còn cơ quan vận hành thì liên miên những lời xin lỗi suông.
Cao điểm lại nghẽn lệnh, nhà đầu tư mất niềm tin
Chưa khi nào thị trường chứng khoán lại liên tục xảy ra nghẽn lệnh cục bộ thường xuyên như thời gian gần đây. Hiện tượng nghẽn lệnh diễn ra từ trước và sau Tết Nguyên đán, ở ngưỡng thanh khoản 14.000 – 17.000 tỷ đồng. Hệ thống “bất ổn” dẫn đến nhà đầu tư đang chịu thiệt hại đơn, thiệt hại kép và bắt buộc phải “sống chung với lỗi” một cách đầy bức xúc. Thuật ngữ “lại rút phích điện” trở thành đề tài nóng trên khắp các diễn đàn chứng khoán và mạng xã hội.
Phiên giao dịch ngày 19/2, nhiều nhà đầu tư đặt lệnh mua từ 13 giờ 2 phút nhưng tới 14 giờ 48 phút hệ thống mới chậm chạp báo “hết hạn”- thời điểm này chưa hết giờ phiên giao dịch. Các lệnh đặt mua sau 13 giờ 30 hoặc 14 giờ thường xuyên trong một tháng nay báo tình trạng “chờ” vì nghẽn, lệnh không đẩy lên sàn được.
Là một nhà đầu tư lâu năm, bà Nguyễn Bích Ngọc tỏ ra rất bức xúc với tình trạng nghẽn lệnh thường xuyên này. “Trước Tết Nguyên đán, có những phiên giao dịch xảy ra tình trạng có mã đang trần, tự nhiên có lệnh đẩy ra bán sàn và ngược lại. Điều này khiến thị trường như một canh bạc do giá thay đổi bất ngờ, các quyết định khi đặt lệnh mua/bán sau 13 giờ 30 phút là hệ thống "đơ", nghẽn không thể đẩy lên sàn, cảm nhận rõ sự thiếu minh bạch và công bằng trên thị trường”- bà Ngọc cho hay. Tình trạng nghẽn lệnh sau Tết cũng lặp lại thường xuyên, bất chấp những lời giải thích, biện minh của những nhà quản lý. “Chúng tôi cần một giải pháp rõ ràng, không phải là những lời biện minh thiếu trách nhiệm của Bộ Tài chính, của Ủy ban Chứng khoán, của HOSE”- chị Lã Dịu- một nhà đầu tư F0 lên tiếng.
Trên nhiều diễn đàn, các nhà đầu tư cũng nhấn mạnh việc họ cần có nơi, có người chịu trách nhiệm cho những thiệt hại do nghẽn lệnh; cụ thể ở đây là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán, HOSE và người đứng đầu các cơ quan vận hành TTCK này. “Người dân tham gia đầu tư chứng khoán hiện đang đóng góp rất nhiều loại thuế cho ngân sách, từ mức thuế 5% khi được nhận cổ tức bằng cổ phiếu, thêm thuế 0,1% khi thực hiện giao dịch bán chịu trên giá trị chứng khoán. Việc nghẽn lệnh đã diễn ra thường xuyên như giọt nước tràn ly khiến tôi và bạn bè tôi, những nhà đầu tư lâu năm đến những nhà đầu tư mới tham gia thị trường mất niềm tin vào sự minh bạch, công bằng của TTCK”- bà Nguyễn Bích Ngọc nhấn mạnh.
Cơ quan vận hành bất lực?
TTCK Việt Nam có một năm 2020 đầy khởi sắc. Số tài khoản mở mới tăng kỷ lục, thanh khoản tăng vọt, thị trường vốn này chứng kiến có những phiên giao dịch tới gần 1 tỷ USD. Đây là những tín hiệu tốt khi dòng tiền mạnh mẽ đổ vào chứng khoán. Tuy nhiên, tỷ lệ nghịch với chỉ số khởi sắc trên, hơn một tháng nay, TTCK lại chứng kiến hàng loạt các phiên giao dịch nghẽn lệnh trên sàn HOSE khiến các quyết định mua/bán của nhà đầu tư bị thiệt hại.
Dù HOSE đã đưa ra giải pháp giảm tải cho hệ thống, nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 lên 100 nhưng hiện tượng nghẽn lệnh vẫn tiếp diễn, đặc biệt là từ sau Tết Nguyên đán. App của các công ty chứng khoán có những thời điểm “đóng băng”, trắng xóa, nhà đầu tư bất lực trong việc đặt lệnh mua bán.
Giải thích cho tình trạng “rút phích điện” này, ông Lê Hải Trà - Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị HOSE cho rằng, đường truyền và hệ thống vẫn hoạt động ổn định nhưng khối lượng giao dịch đột biến nên khó tránh tình trạng tắc nghẽn. Ông dẫn chứng số lượng lệnh giao dịch từ 20 công ty chứng khoán hàng đầu thị trường tăng 3 - 12 lần, một số công ty còn sử dụng thuật toán và robot để giao dịch "khiến lệnh tăng mạnh nên HOSE không thể kiểm soát".
Được biết, HOSE có dự án công nghệ thông tin lớn nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin của HOSE, HNX... Theo kế hoạch, năm 2020 hệ thống có thể hoàn thành nhưng do dịch Covid-19, nhà thầu Hàn Quốc đã không thể sang Việt Nam để thực hiện. Trong lúc đó, nhà đầu tư vẫn phải chấp nhận “sống chung với tắc nghẽn”. Phía UBCK Nhà nước cũng thừa nhận, năng lực hệ thống giao dịch sàn HOSE giới hạn về số lượng lệnh, không đáp ứng được nhu cầu tăng đột biến ngoài dự đoán.
Trách nhiệm của người quản lý không tính toán, lường trước được sự tăng đột biến của hệ thống, không có các giải pháp tối ưu, không có kế hoạch dự phòng thì có nên chăng cần xem xét lại năng lực. Vì thế, Ủy ban chứng khoán cần đưa ra thời hạn cụ thể khi nào hệ thống ổn định, giao dịch thông suốt, đừng để “chợ” chứng khoán bị các nhà đầu tư quay lưng vì những yếu kém và thờ ơ của cơ quan quản lý.
"Với ý tưởng hình thành hệ thống CNTT thống nhất cho toàn thị trường, năm 2016, gói thầu "Thiết kế, lắp đặt, cung cấp và chuyển giao hệ thống CNTT (gói thầu 04) đã được thống nhất triển khai. Gói thầu mang đến hy vọng về khả năng nâng tầm TTCK Việt khi được thống nhất chung trên một nền tảng công nghệ, với nhiều tính năng cho phép các bên phát triển những sản phẩm, dịch vụ mới, tiên tiến ra thị trường. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra vào đầu năm 2020 khi nhiều hạng mục trong gói thầu 04 đang trong giai đoạn hoàn thiện. Trong bối cảnh đại dịch bùng phát trên toàn cầu, các chuyên gia nước ngoài là những nhà thầu của dự án phải "cách ly" mất một thời gian rất dài, không thể sang Việt Nam để xử lý tiếp các yêu cầu của hệ thống mới. Hiện nay, những chuyên gia này đã đến Việt Nam và đang làm việc tại HOSE. Trong thời gian ngắn tới đây, hệ thống công nghệ mới sẽ chạy thử để khớp nối tất cả các công ty chứng khoán thành viên." - Chủ tịch UBCK Nhà nước Trần Văn Dũng "Nhà đầu tư không thể chấp nhận thiệt hại mãi, càng không thể chấp nhận lời giải thích và biện minh của những nhà quản lý khi tình trạng nghẽn lệnh kéo dài và trở thành thường xuyên mà không có bất cứ giải pháp tối ưu nào được đưa ra." - Nhà đầu tư Nguyễn Bích Ngọc Trong lúc chờ nâng cấp hệ thống, Ủy ban Chứng khoán đang có phương án chuyển bớt cổ phiếu từ HOSE sang Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội- HNX để giảm nghẽn lệnh. |
KV
Link nội dung: https://tinhhoathoidai.vn/ai-chiu-trach-nhiem-khi-cho-chung-khoan-te-liet-a878.html