Liên tục tăng vốn điều lệ và tài sản
Công ty cổ phần Tập Đoàn Tecco được thành lập từ cuối năm 2001 với vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng do ông Nguyễn Thế Mạnh (sinh năm 1953) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Doanh nghiệp có trụ sở đặt tại Thủ Đức, TP HCM và hoạt động đa nghề nhưng chủ yếu được biết đến trong lĩnh vực như đầu tư xây dựng – kinh doanh bất động sản nhà ở và bất động sản nghỉ dưỡng.
Tới tháng 12/2016, công ty nâng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng và đến cuối năm 2017 là 500 tỷ. Lần tăng vốn chủ sở hữu gần nhất lên 2.000 tỷ đồng được thay đổi vào tháng 6/2018.
Những năm trở lại đây, quy mô của tập đoàn này liên tục gia tăng với tổng tài sản đến cuối năm 2019 đạt 3.346 tỷ đồng, tăng 35% trong một năm và gấp rưỡi so với thời điểm cuối năm 2017.
Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này cũng tăng gấp đôi lên mức 805 tỷ đồng vào cuối năm 2019 tuy nhiên con số này chỉ tương đương với 1/4 quy mô tổng tài sản. Điều này cho thấy phần lớn tài sản của Tecco Group được tài trợ từ nguồn vốn nợ với tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản lên đến gần 77%.
Quy mô lên đến hàng nghìn tỷ đồng tuy nhiên Tecco Group chỉ lãi 22 tỷ đồng năm 2019 thậm chí 2 năm trước đó còn lỗ liên tiếp. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ vỏn vẹn tương ứng 0,6% và 2,7% cho thấy hiệu suất kinh doanh không cao của doanh nghiệp này.
Một điểm tích cực đáng ghi nhận là mức tăng trưởng cao về doanh thu qua từng năm. Năm 2019, doanh thu của Tecco Group đạt 805 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước. Con số này năm 2018 thậm chí lên đến 78%.
Các “chân rết” hoạt động kém hiệu quả
Tecco Group hiện có dự án ở 18 tỉnh, thành trong cả nước, nổi bật có thể kể đến như Tecco Thanh Trì, Tecco Đồ Sơn Hotel Spa, Tecco Lào Cai, Tecco Towers Thanh Hóa, Tecco Complex Thái Nguyên, Green View 3 thành phố Vinh, Tecco Hà Nội, Tecco EverGreen Resort – Đà Lạt, dự án du lịch nghỉ dưỡng khách sạn và chuỗi biệt thự Nam Hùng (Cam Ranh – Khánh Hòa), Sunbay Park Hotel & Resort (Ninh Thuận), thủy điện Đắk Lắk…
Với quy mô dàn trải rộng, Tecco Group đã chia nhỏ nhiệm vụ cho các “chân rết” là các đơn vị thành viên tại từng địa phương nhằm tập trung triển khai các dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, phần lớn các đơn vị này đều hoạt động kém hiệu quả dẫn đến kết quả chung không mấy khả quan của tập đoàn.
Một trong số những đơn vị thành viên có quy mô lớn nhất của tập đoàn là Tecco Hà Nội với tổng tài sản đến cuối năm 2019 lên đến 1.559 tỷ đồng, dù vậy vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn 9 tỷ đồng. Năm 2019, Tecco Hà Nội bắt đầu phát sinh doanh thu 587 tỷ đồng qua đó thu về lợi nhuận thuần 14 tỷ đồng. Có thể thấy đây là con số khá khiêm tốn nếu nhìn vào loạt dự án doanh nghiệp này đã và đang triển khai tại Hà Nội như Tecco Hà Nội, Tecco Skyville Tower, Tecco Skyville Tower hay Tecco Diamond.
Một số đơn vị thành viên tại các địa phương khác của tập đoàn như Tecco Thanh Hóa, Tecco Miền Nam, Tecco Trường An... đều hoạt động kém hiệu quả năm vừa qua, kéo theo những khoản lỗ ăn mòn vốn chủ sở hữu.
KV
Link nội dung: https://tinhhoathoidai.vn/tecco-group-dai-gia-bat-dong-san-quy-mo-hang-nghin-ty-nhung-loi-nhuan-beo-bot-a721.html