Nhiều ngân hàng vẫn đạt mức lợi nhuận khả quan trong năm 2020 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Dù là năm đầu tiên sau 5 năm không ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận nhưng năm 2020 Vietcombank vẫn là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống với 23.068 tỉ đồng, tương đương 1 tỉ USD.
Trong khi đó Vietinbank dù giảm gần 5.000 tỉ đồng lợi nhuận từ việc giảm lãi suất cho vay, phí… để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua dịch COVID-19 nhưng vẫn ghi nhận mức lãi 16.450 tỉ đồng, tăng hơn 43% so với năm 2019.
Hai ngân hàng còn lại trong nhóm Big 4 là BIDV và Agribank báo lãi lần lượt là 9.017 tỉ đồng và 12.869 tỉ đồng.
Ở khối ngân hàng cổ phần, Ngân hàng Quân đội (MB) đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 10.688 tỉ đồng, vượt 18,9% so với kế hoạch. Con số này ở VPBank là hơn 13.000 tỉ đồng, vượt 27,5% kế hoạch đề ra.
Sacombank đạt 3.339 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2020, vượt 30% kế hoạch.
Hai ngân hàng chuẩn bị lên sàn là SeABank và OCB cũng đạt mức lợi nhuận khả quan trong năm 2020. Trong đó SeABank công bố mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế gần 1.729 tỉ đồng, tăng 24% so với năm trước.
Còn OCB ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đạt 4.414 tỉ đồng, tăng 37% so với năm 2019. Ngày 28-1 tới, OCB sẽ đưa gần 1,1 tỉ cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE với giá tham chiếu 22.900 đồng/cổ phiếu.
Nguyên nhân khiến các nhân hàng đạt lợi nhuận cao là do tăng trưởng tín dụng tăng trở lại từ tháng 8-2020 do nhiều ngành kinh tế phục hồi. Ngoài ra kênh trái phiếu doanh nghiệp bị "siết" cũng khiến doanh nghiệp chuyển hướng sang vay ngân hàng, từ đó thúc đẩy tín dụng tăng.
Tín dụng tăng nhanh trong những tháng cuối năm cộng với việc lãi suất huy động giảm, tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng khiến biên lãi ròng của các ngân hàng cải thiện.
Ngoài ra theo báo cáo phân tích của SSI, thu nhập ngoài lãi của ngân hàng cũng tăng mạnh, nhất là thu nhập từ phí và hoa hồng. Bên cạnh đó, các dịch vụ thanh toán, tài trợ thương mại, bancassurance, mua bán ngoại tệ đều phục hồi cũng đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của các ngân hàng.
Khoản thu nhập từ trái phiếu doanh nghiệp cũng đóng góp đáng kể cho thu nhập của các ngân hàng.
Chia sẻ với báo chí gần đây, ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc OCB, cũng thừa nhận điều này. Ông Tùng cho biết lợi nhuận của ngân hàng này trong năm 2020 một phần đến từ sự biến động lãi suất trên thị trường vốn. Ngoài ra đóng góp trên 2.000 tỉ đồng vào lợi nhuận năm 2020 của OCB là từ kinh doanh trái phiếu.
Một yếu tố quan trong khác là Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng được phép không chuyển nhóm nợ với phần dư nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19, từ đó giảm mức trích lập dự phòng rủi ro cũng khiến lợi nhuận ngân hàng "đội lên".
Tuy nhiên nhiều chuyên gia phân tích lo ngại tác động của COVID-19 sẽ dần được phản ánh trong số dư nợ xấu của các ngân hàng trong năm 2021. Một khi phải trích lập dự phòng đúng với thực tế sẽ khiến lợi nhuận các ngân hàng giảm đi đáng kể.
Link nội dung: https://tinhhoathoidai.vn/qua-nam-covid-19-nhieu-ngan-hang-van-lai-hang-ngan-ti-a488.html