Theo dự kiến, EU sẽ chính thức cấp phép cho các nước thành viên sử dụng vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19 vào ngày 29-1-2021 - Ảnh (minh họa): AFP
Theo Hãng tin AFP, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) công bố kết luận này sau khi đánh giá các dữ liệu đầu tiên thu thập từ chương trình triển khai tiêm vắc xin COVID-19.
Theo đó, cơ quan này cho biết họ đã tìm hiểu các trường hợp tử vong, trong đó có một số người lớn tuổi, và "kết luận rằng các dữ liệu không cho thấy có mối liên hệ nào giữa việc tiêm vắc xin Comirnaty (tên chính thức của vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech - PV) và các trường hợp tử vong này, và không dấy lên lo ngại nào về độ an toàn của vắc xin".
Cũng trong nội dung cập nhật đầu tiên kể từ khi Liên minh châu Âu bắt đầu chiến dịch tiêm chủng trong tháng 12, EMA cho biết dữ liệu thu nhận được "nhất quán với mức độ an toàn đã biết của vắc xin, và không phát hiện những tác dụng phụ mới nào".
Cũng theo EMA, những báo cáo ghi nhận về các trường hợp thi thoảng bị dị ứng nặng với vắc xin cũng đều không vượt quá so với "những phản ứng phụ đã biết".
"Tác dụng phòng ngừa COVID-19 của vắc xin Comirnaty vượt trội hơn nhiều so với mọi nguy cơ, và không có những thay đổi khuyến nghị nào khác liên quan tới việc sử dụng vắc xin này", thông cáo của EMA nêu.
Cho tới nay EMA đã phê chuẩn hai vắc xin ngừa COVID-19, đó là hai sản phẩm của Pfizer/BioNTech và Moderna. Theo kế hoạch, EMA cũng sẽ phê chuẩn vắc xin thứ ba, đó là vắc xin do ĐH Oxford và Hãng AstraZeneca phát triển trong ngày 29-1 (theo giờ địa phương).
Thời gian qua một số nước như Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland và Thụy Điển đã ghi nhận một số trường hợp tử vong sau khi được tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech.
Na Uy ghi nhận 33 ca tử vong trong số những người cao niên được tiêm liều vắc xin đầu tiên nhưng cũng chưa thể chứng minh có mối liên hệ nào giữa việc tiêm vắc xin và tình trạng tử vong sau đó.
Link nội dung: https://tinhhoathoidai.vn/co-quan-quan-ly-duoc-chau-au-vac-xin-pfizer-khong-lien-quan-cac-ca-tu-vong-sau-tiem-a398.html