Liên hoan Thơ ca ba miền tại Huế năm 2025 với chủ đề "Về miền Hương Ngự" do Hội thơ Xứ Huế đăng cai, phối hợp với CLB Thơ Ban Mê (Đắk Lắk) và CLB Văn thơ Di sản truyền thống trên Facebook tổ chức. Đây là lần thứ 8 sự kiện được tổ chức kể từ kỳ đầu tiên vào năm 2018 tại Đà Nẵng, nhưng là lần thứ 2 thành phố Huế - đất cố đô thơ mộng vinh dự được lựa chọn là điểm dừng chân.
Từ giữa tháng 3/2025, Ban Tổ chức gồm các đại diện ba đơn vị đã liên tục họp bàn cả online lẫn trực tiếp để triển khai công tác chuẩn bị. Nhà thơ Nguyễn Ngọc - Chủ tịch Hội Thơ Xứ Huế đảm nhiệm vai trò Trưởng ban, chỉ đạo chung toàn bộ hoạt động của Liên hoan. Nhà giáo Nguyễn Đức phụ trách các đoàn phía Bắc và công tác hậu cần lưu trú. Nhà thơ Lưu Tấn Văn - Chủ nhiệm CLB Thơ Ban Mê đảm trách công tác văn nghệ, kịch bản và dẫn chương trình. Cùng với đó, nhiều ban chuyên môn như Ban tham quan, hậu cần, thiết kế, tài chính… cũng được thành lập với sự tham gia tích cực của các nhà thơ, nhà giáo uy tín trong giới.
Sau khi nhận được sự đồng thuận và hỗ trợ từ UBND thành phố Huế và Sở Văn hóa - Thể thao, công tác tổ chức đã được triển khai khẩn trương và chu đáo. Mọi phần việc đều được thảo luận sôi nổi trong các nhóm làm việc. Các tài liệu truyền thông, băng rôn, giấy mời được thiết kế và phát hành nhanh chóng. Lịch trình tham quan được khảo sát kỹ, thông báo cụ thể tới các đoàn trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ Liên hoan, chương trình tham quan bằng thuyền rồng dọc sông Hương và đêm thơ nghệ thuật trên thuyền Cung đình Long Quang trước bến Phu Văn Lâu đã được đề xuất và lên kế hoạch chi tiết. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết mưa nhiều và lượng đại biểu tham dự lớn, phương án đã được điều chỉnh, chuyển sang tổ chức tại không gian kín của nhà hàng Sông Hương để đảm bảo an toàn theo khuyến nghị của Phòng CSGT Công an TP. Huế.
Càng gần ngày khai mạc, lượng đoàn đăng ký tham dự càng tăng, buộc Ban tổ chức phải liên tục cập nhật danh sách, điều chỉnh kế hoạch ăn ở, hậu cần và xây dựng thực đơn phù hợp trong mùa du lịch cao điểm của Huế. Các tiết mục văn nghệ cũng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, khiến kịch bản chương trình phải chỉnh sửa sát giờ. Đôi khi, MC Tấn Văn, Ngân Hà cùng nhà thơ Ngọc Nguyễn phải làm việc xuyên đêm để hoàn thiện nội dung.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp với các đơn vị chức năng được triển khai chặt chẽ. Ban Tổ chức đã ký hợp đồng với Trung tâm y tế 115 và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Phòng CSGT Công an TP. Huế, bảo đảm an toàn y tế và giao thông cho toàn bộ hoạt động Liên hoan.
Ngay từ đầu tháng 7, công tác chuẩn bị tại Huế bước vào giai đoạn cao điểm. Đặc biệt, nhà giáo Nguyễn Đức, người được cộng đồng yêu thơ trìu mến gọi là “Đức Kết Nối” đã có mặt tại Huế từ ngày 2/7 để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc và phối hợp với các bộ phận liên quan trong việc đón tiếp đại biểu.
Diễn ra chính thức vào ngày 5/7, Liên hoan thơ ca ba miền lần thứ 2 tại Huế ghi nhận sự hiện diện đông đảo của các đoàn thơ, văn nghệ sĩ và bạn yêu thơ từ mọi miền đất nước. Nổi bật trong số đó có thể kể đến đoàn hát Then Cao Bằng, đoàn Hòa Bình, đoàn Sắc màu Hà Thành, đoàn Phú Thọ, đoàn Phù Sa (Cà Mau), đoàn Bình Phước,... Bên cạnh đó là sự hiện diện của nhiều nhà thơ tên tuổi, lão làng, những người đã có nhiều đóng góp cho phong trào thi ca trong nước. Sự giao thoa giữa các thế hệ, vùng miền và phong cách đã tạo nên một không gian nghệ thuật đa thanh, giàu cảm xúc, nơi thơ không chỉ được trình diễn mà còn được sẻ chia và lan tỏa.
Hội đồng giám khảo cho các tiết mục văn nghệ và trình diễn trang phục vùng miền được thành lập với sự tham gia của những tên tuổi lớn: Nhạc sĩ Lê Chí Quốc Anh - Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. Huế làm Chủ tịch Hội đồng cùng với các thành viên trong Ban Hội đồng: NSND, Đạo diễn Nguyễn Ngọc Bình, Nguyên Giám đốc Nhà hát Ca kịch Huế; NSƯT Phong Thủy (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế) và nhà giáo Đoàn Văn Toản - Chủ nhiệm Trang thơ FB Hội Thơ Xứ Huế làm Thư ký Hội đồng.
Sự phối hợp chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm cao cùng sự đam mê, nhiệt huyết của Ban Tổ chức và các đại biểu tham dự đã làm nên một kỳ Liên hoan thơ ca ba miền không chỉ thành công về mặt tổ chức mà còn để lại dấu ấn sâu đậm về chất lượng nghệ thuật và giá trị kết nối cộng đồng. Từ Huế - mảnh đất trầm mặc, thi vị, thơ ca lại một lần nữa cất tiếng nói dung dị mà sâu xa, nối nhịp cầu văn hóa giữa ba miền đất nước và bạn bè quốc tế. Liên hoan không chỉ là dịp tôn vinh vẻ đẹp của ngôn từ và cảm xúc, mà còn khẳng định sức sống bền bỉ, lan tỏa của phong trào thơ ca trong đời sống đương đại. Trong nhịp chảy không ngừng của văn hóa dân tộc, những sự kiện như thế chính là mạch nguồn để gìn giữ, tiếp nối và làm giàu thêm tâm hồn Việt.
Lưu Tấn Văn
Link nội dung: https://tinhhoathoidai.vn/hue-mua-tho-hoi-ngo-lien-hoan-tho-ca-ba-mien-2025-a1499.html