Thầy Thích Giác Nguyên: Sự nghiên cứu sâu sắc và bộ Giáo trình Hán văn Sơ cấp Phật học

Thầy Thích Giác Nguyên - Ủy viên Ban Giáo dục Phật giáo thành phố Hà Nội, cán bộ quản lý văn phòng trường Trung cấp Phật học Hà Nội.

Thầy là một trong những nhà sư tâm huyết trong lĩnh vực giáo dục của Phật giáo. Sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng hiện đang sinh sống và tu học ở Hà Nội, thầy đã dành phần lớn thời gian của mình để nghiên cứu và truyền đạt tri thức Phật học cho thế hệ trẻ. Thầy là cựu Tăng sinh của trường Trung cấp Phật học Hà Nội, cựu Sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi thầy đã tích luỹ kiến thức Phật học, kiến thức thế học và những kỹ năng nghiệp vụ giảng dạy. Sau khi hoàn thành chương trình học tập tại hai trường này, thầy đã quyết định dành sự đam mê của mình cho công tác giảng dạy và quản lý trong lĩnh vực Phật học tại cơ sở đào tạo của Phật giáo. Hiện tại, thầy đang công tác tại trường Trung cấp Phật học Hà Nội (TCPH Hà Nội) trong vai trò quản lý văn phòng. Với kiến thức hiểu biết về Phật học và kinh nghiệm giảng dạy, thầy đã đóng góp quý báu vào sự phát triển trong Giáo dục của Phật giáo.

thay-thich-giac-nguyen1-1696244398.jpg

Thầy Thích Giác Nguyên là một giảng sư nhiệt huyết trong lĩnh vực Phật học. Ngoài việc giảng dạy thầy còn có đóng góp đặc biệt quan trọng qua bộ sách "Giáo trình Hán văn Sơ cấp Phật học". Bộ sách này được thầy xuất bản đã trở thành một tài liệu học tập quan trọng trong việc nghiên cứu và hiểu sâu về văn bản Phật ngữ bằng tiếng Hán. "Giáo trình Hán văn Sơ cấp Phật học" là một tài liệu chất lượng, được biên soạn để hỗ trợ Tăng Ni sinh và những người quan tâm đến Phật học trong việc nắm vững kiến thức về ngôn ngữ Hán và hiểu rõ nội dung của các văn bản Phật giáo bằng tiếng Hán. Thầy đã cung cấp một cơ sở vững chắc về vốn từ vựng Hán văn, giúp người học, người đọc có khả năng đọc và hiểu các văn bản bằng tiếng Hán.

thay-thich-giac-nguyen2-1696244398.jpg

Hình ảnh bộ giáo trình Hán văn Sơ cấp Phật học.

Bộ sách gồm 2 quyển, quyển một (gần 300 trang) giới thiệu các lý thuyết cơ bản về chữ Hán và tổng hợp các giáo lý nền tảng của Phật giáo thông qua nội dung Phật giáo Tam tự kinh. Quyển hai (hơn 100 trang) giới thiệu sơ lược về cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni qua nội dung Bát tướng thành đạo, ngoài những lý thuyết về chữ Hán, bộ sách còn cung cấp nguồn tư liệu quý báu cho việc hiểu sâu hơn về Phật giáo. Thầy đã trình bày một số văn bản Phật học quan trọng bằng tiếng Hán, giải thích ý nghĩa và bản chất của chúng. Bộ sách cung cấp nhiều kiến thức Hán văn từ cơ bản đến nâng cao, giúp người đọc rèn luyện kỹ năng đọc và hiểu văn bản bằng tiếng Hán. Bộ sách này được sử dụng làm tài liệu học tập cho lớp Sơ cấp tại trường Trung cấp Phật học Hà Nội, cũng như là một tài liệu tự học quý báu cho những người có đam mê nghiên cứu Phật học. Sự cống hiến của thầy Thích Giác Nguyên trong việc biên soạn bộ sách này đã giúp đẩy mạnh sự phát triển của lĩnh vực Phật học và nâng cao kiến thức và hiểu biết về Phật giáo trong cộng đồng.

Trong việc dạy học, quản lý văn phòng và viết sách giáo trình, thầy Thích Giác Nguyên đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực Giáo dục của Phật giáo. Sự hết lòng và đóng góp của thầy không chỉ là một nguồn truyền cảm hứng mà còn là một tài sản quý báu cho cộng đồng Phật tử và những người đam mê học thuật.

thay-thich-giac-nguyen3-1696244398.jpg

Thầy Thích Giác Nguyên đã xây dựng một hành trình ấn tượng trong việc truyền đạt tri thức Phật học làm cho Phật giáo càng thêm phong phú và sâu sắc. Thông qua việc nghiên cứu và viết giáo trình giảng dạy thầy đã chia sẻ kiến thức và những cái nhìn sâu sắc về Phật giáo tới thế hệ Tăng Ni trẻ và các Phật tử. Điều này đã giúp đẩy mạnh sự hiểu biết và sự tôn trọng đối với Phật giáo trong xã hội Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên thầy Thích Giác Nguyên có chia sẻ.

Thầy viết bộ sách trong bao lâu và gặp khó khăn, thuận lợi gì? Ai đã hỗ trợ thầy hoàn thiện bộ sách công phu này?

Thật có duyên lành, khi tham gia vào công tác quản lý tại trường TCPH Hà Nội, được Chư tôn đức tin tưởng và giao phó phụ trách bộ môn Hán văn cho lớp Sơ cấp. Để phục vụ cho công tác giảng dạy, tôi bắt tay vào việc soạn giáo trình và hoàn thiện trong thời gian gần một năm từ tháng (10/2022 - 9/2023) và cũng gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất chính là sự hạn chế về mặt kiến thức, cho nên mất nhiều thời gian tìm tòi và tra khảo các nguồn tài liệu khác nhau. Nhưng bên cạnh đó cũng rất thuận lợi và may mắn nhận được sự ủng hộ giúp đỡ của chư Tôn đức cùng các thầy cô giáo chuyên ngành Hán Nôm mà tôi đã theo học. May mắn hơn nữa là tham khảo được nguồn tài liệu Hán văn quý giá của Thượng tọa Hiệu trưởng nhà trường, tôi dựa vào đó, kế thừa và phát triển thêm. Để hoàn thiện bộ sách này, Chư tôn đức cùng các thầy cô cũng chính là những người hỗ trợ trực tiếp trong việc biên soạn.

Thầy rất tâm huyết với việc truyền đạt tri thức Phật học cho các thế hệ, vậy thầy nhận xét gì khi hiện nay có nhiều bạn trẻ tìm đến với Phật giáo không chỉ để được phù hộ trong lúc khó khăn, mà còn tìm cách giải tỏa căng thẳng, cân bằng cuộc sống và học cách đối nhân xử thế?

 -  Xưa nay vẫn hay có quan niệm chùa là nơi dành riêng cho những người lớn tuổi, vì vậy mới có câu “trẻ vui nhà, già vui chùa”. Nhưng quan niệm ấy chưa chính xác, bởi vì chùa bản chất là một đạo tràng, tức là một trường để học đạo, dành cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, không giới hạn. Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều bạn trẻ tìm đến với Phật giáo với nhiều lý do khác nhau, nhưng đều chung một mục đích ấy là cầu mong tìm được sự bình yên và an lạc, đó là một tín hiệu đáng mừng, tôi rất mong như vậy. Bởi vì tuổi trẻ là một lợi thế lớn khi đến với Phật giáo, lợi thế ấy chính là sức khỏe, thời gian và sự minh mẫn (trí tuệ) nhờ ba yếu tố này mà việc tiếp thu những giáo lý Phật giáo sẽ được hoàn hảo trọn vẹn hơn. Nếu không có sức khỏe, thời gian, sự minh mẫn thì việc tiếp thu và thực hành những giáo lý tốt đẹp ấy vào thực tiễn cuộc sống cũng sẽ bị hạn chế.

Thực tế hiện nay có nhiều bạn trẻ đến với Phật giáo và đến từ nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau. Có thể là mong được phù hộ trong lúc khó khăn, có thể là mong tìm một nơi yên tĩnh để giải tỏa những áp lực trong công việc và học tập hay cao hơn nữa là mong muốn học hỏi được những triết lý tích cực để áp dụng cho bản thân và thực hành ứng nhân xử thế. Đó đều là những nhu cầu mong muốn chính đáng. Nhưng dù là đến với nguyên nhân nào đi chăng nữa thì biết đến Phật giáo tức biết đến chân lý những giá trị đạo đức và chắc chắn những giá trị đó thông qua sự truyền trao của chư Tôn đức, sẽ giúp cho các bạn trẻ thay đổi rất nhiều từ nhận thức, lời nói cho đến việc làm theo hướng tích cực, cuối cùng sẽ rèn luyện được lối sống lành mạnh bổ ích.

 

PV

Link nội dung: https://tinhhoathoidai.vn/thay-thich-giac-nguyen-su-nghien-cuu-sau-sac-va-bo-giao-trinh-han-van-so-cap-phat-hoc-a1185.html