Nhà báo Vương Xuân Nguyên trải lòng 20 năm tốt nghiệp đại học

Tối qua gặp lại một số bạn học cùng tại Học Viện Ngân Hàng 23 năm trước. Bạn bè ai cũng muốn biết hành tung của anh đi dâu làm gì mà biệt tăm suốt 20 năm sau khi ra trường. Thật ra anh cũng không muốn "đào bới" những ký ức buồn vui đã ngủ yên, nhưng gặp lại những người bạn năm xưa anh cũng muốn có dịp để "xưng" hết tội lỗi với mong muốn nhận được sự rộng lượng thứ tha của bao người vì anh mà khổ lây, vây nhục.

Anh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở ngoại thành Hà Nội còn nhiều gian khó. Thủa nhỏ vừa đi làm vừa đi học vất vả tối ngày, không ai nghĩ cậu Hai Trâu (biệt danh của anh) lại thi đỗ mấy trường liền. Gia đình và cả làng vui mừng khi biết anh thi đậu vào Học Viện Ngân Hàng. Ai cũng nghĩ anh học trường đó ra sẽ nhiều tiền lắm bạc, sung sướng cả đời. Nhiều người đến động viên và sẵn sàng cho vay mượn tiền để anh ăn học. Anh thì xác định thi cho vui chứ không muốn đi học. Vì đi học thì lấy ai làm việc đỡ đần bố mẹ ốm quanh năm. Vì đi học thì lấy đâu tiền mỗi tháng phải lo gần 500.000 đồng học phí, thuê trọ, ăn ở, sinh hoạt.

Gần đến ngày nhập học, cô giáo chủ nhiệm cấp 3 của anh vào tận nhà vận động việc cho đi học Học Viện Ngân Hàng thay vì học Sư phạm miễn phí. Cô còn sẵn sàng cho anh ra ở cùng nhà và chia sẻ cho một chỗ dạy gia sư để trang trải việc học. Có sự động viên của cô giáo, anh và chú ruột đèo nhau bằng xe đạp ra nhập học tại Học viện Ngân hàng trong sự choáng ngợp vì sự sang trọng của nhà trường và sự giàu có của bạn bè cùng trường, cùng lớp.

cu12-1667259555.jpg

Người viết bài sau ngày ra trường năm 2002 tại Vịnh Mốc (Quảng Trị)

Sau những ngày tập quân sự vất vả tại Trường sư phạm TDTT Chương Mỹ, anh cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện giữa các bạn tiểu thư, cậu ấm con nhà giàu ở thành phố và cánh nhà quê một cục như anh. Anh cũng bình đẳng chơi sòng phẳng với mọi người trong học tập. Nhớ tiết học đầu tiên, để mạnh dạn làm quen, hòa nhập với các bạn trong lớp, anh xung phong lên bảng trình bày trước lớp về môn Lịch sử Đảng. Rõ ràng anh trình bày rất to và lưu loát vấn đề mà lại khiến cả lớp và cô giáo lăn ra cười. Mãi anh mới nhận ra là anh nói giọng địa phương thiếu dấu, như kiểu "Ba Vi có con bo vang". Từ đó, anh nhận ra yếu điểm của mình không chỉ ở giọng địa phương, mà còn nhiều thứ khác nữa như: trang phục, cách đi đứng, sự tự tin...

Những khó khăn về tài chính cũng dần dần được anh khắc phục bằng việc đi gia sư nhiều ca trong ngày. Nhưng anh càng ngày càng nhận ra sự khó khăn của mình sau khi ra trường. Trong lớp phần lớn bạn bè anh là con nhà nòi được bố mẹ “xếp ghế” sẵn vào một ngân hàng nào đó ngay sau khi ra trường. Anh con nhà nghèo lại thân cô thế cô giữa thành phố chẳng biết sẽ bắt đầu làm gì từ đâu. Vì vậy vào năm cuối khóa anh vô cùng lo lắng. Ngoài thời gian học tại trường, anh học thêm nghiệp vụ kế toán tại Đại học Kinh tế Quốc dân, đi gia sư và hoạt động tình nguyện tại tổ chức Học sinh, Sinh viên vì nếp sống lành mạnh - IOGT Vietnam để học thêm tiếng Anh bồi từ những tình nguyện viên Quốc tế.

Nhờ kết quả học tập xuất sắc năm cuối và vốn tiếng Anh bồi học được từ Giáo sư Rosina Gonna, anh đã được Victoria Sapa Resort & Spa tuyển chọn với mức lương thử việc 170 USD cho tháng đầu tiên, lương sau khi chính thức 250 USD. Nhưng tại thời điểm đó, anh mong muốn tìm một công việc tại Hà Nội để được về thăm bố mẹ hàng tuần và theo đuổi học văn bằng hai tại Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.

cu123-1667259682.jpg

Giáo sư Rosina Gonna và mẹ của tác giả bài viết

Đúng lúc này người cô họ mà anh làm gia sư cho con cô đã giới thiệu anh với nhiều vị lão thành cách mạng đang sinh hoạt tại CLB Thăng Long, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Trong đó, có những người anh vinh dự được tiếp xúc từ trước như: Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN, GS. Vũ Khiêu, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội...

Sau một thời gian cân nhắc, anh quyết định về làm kế toán tại Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Sinh Vật Cảnh Việt Nam để có cơ hội gần gũi các vị lão thành cách mạng mà người cô họ của anh đã giới thiệu và mong muốn anh trưởng thành từ việc gần gũi các vị tiền bối cách mạng.

Về cơ quan, anh năng nổ tham gia thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên, Công đoàn và Chi bộ Đảng. Sau khi các tổ chức Đoàn, Công đoàn được thành lập, anh tham gia hoạt động tình nguyện về nguồn tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc và giao lưu với thanh niên tại các nước bạn: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan.

Chính trong những năm tháng này anh vinh dự được tiếp xúc và học hỏi về nghề báo từ nhiều nhà báo lão thành và nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên tổng giám đốc TTXVN; đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; cụ Cù Văn Chước, người giúp việc Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch; nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười; GS Vũ Khiêu, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban KHXH; Nhà báo Trần Lâm, nguyên Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Ngọc Châu, nguyên cán bộ Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Đồng chí Tráng A Pao, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội; Viện sĩ Nguyễn Duy Quý, nguyên Giám đốc Trung tâm KHXH và Nhân văn Quốc gia; TS Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản...

Ngoài việc làm kế toán tại Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Sinh Vật Cảnh Việt Nam, Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang, Công ty Cổ phần hóa chất Ngọc Khánh, Chủ Văn phòng Nội thất Ngoại viên Như ý (92 đường Bưởi - Hà Nội), anh tham gia làm báo và làm công tác Hội cùng các vị lão thành nêu trên, anh tiếp tục theo học Thạc sĩ và làm Nghiên cứu sinh tại Học Viện Ngân Hàng. Trong giai đoạn làm Nghiên cứu sinh, anh có cơ hội làm thêm tại Ngân hàng OCEAN Bank, gắn bó với nhiều hoạt động của Học Viện Ngân Hàng và là báo cáo viên tuyên truyền miệng tại Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo - Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tháng 5 năm 2005, người mẹ anh yêu quý nhất trên đời đã ra đi đột ngột sau nhiều năm sống chung với căn bệnh hen suyễn. Và 3 tháng sau, ông nội anh, người dạy dỗ, lo toan và định hướng sự nghiệp cho anh cũng đã ra đi về bệnh tuổi già trong niềm khắc khoải chưa lo nốt xây dựng gia đình cho anh. Sau một vài lần trắc trở về tình duyên, anh đã xây dựng gia đình vào đầu năm 2007.

Năm 2009, người bố vợ luôn gần gũi chia sẻ thân tình với anh mọi việc (ngay cả những gì ông chưa bằng lòng với con gái, tức là vợ anh trong quá khứ) cũng chia sẻ với con rể như hai người bạn thân đã ra đi đột ngột bỏ lại bao dự định tốt đẹp còn dang dở. Trước khi mất ít ngày ông còn khuyên anh: "Sống ở trên đời, không nên quá cầu toàn con ạ, phải biết chấp nhận sự thật, dẫu có méo mó cũng vẫn là sự thật, cái gì tròn trịa quá thì rất dễ bị vo mất khỏi cuộc đời này". Tất nhiên, cả anh và ông đều hiểu hết cái sự "dẫu có méo mó cũng vẫn là sự thật" như ông đã từng tâm sự khi anh lần đầu tiên về ra mắt ông. Bằng chính trực và sự chân thành, ông là sợi dây kết nối và hóa giải mọi mối quan hệ dù phức tạp cũng trở nên gần gũi, yêu thương.

Đến năm 2011, anh đánh dấu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất sau khi xây dựng với những thành công bước đầu rất đáng mừng: Hai cậu con trai mạnh khỏe, thông minh; có nhà lầu xe hơi; công việc hai vợ chồng thuận lợi; học hành thẳng tiến...

Từ đầu năm 2012, cú sốc từ việc làm ăn thua lỗ dẫn tới vỡ nợ, cùng với những áp lực công việc do phải làm cùng một lúc nhiều cơ quan và nỗi buồn riêng từ việc gia đình đã khiến anh bị trầm cảm. Tinh thần và thể xác anh suy kiệt từng ngày, stress ngày một nặng và cuối cùng dẫn tới bị Block Tâm nhĩ trái cấp độ II. Nhiều lần nhịp tim giảm xuống dưới 40 nhịp/phút phải cấp cứu tại Viện Tim Hà Nội.

cu1231-1667260029.jpg

Để lấy lại tinh thần, niềm tin vào cuộc sống và tự chữa lành những tổn thương anh đã theo nhiều pháp môn của đạo phật. Nhưng mọi việc vẫn chìm trong vô vọng. Sau đó, anh may mắn được thụ giáo võ thuật từ môn đệ huyền thoại Lý Tiểu Long - Tiana Alexandra, HLV cao cấp Phạm Quốc Trọng, Nhà vô địch Karate Thế giới Nguyễn Hoàng Ngân cùng những Nhà vô địch Karate Đông Nam Á: Võ sư Dương Hoàng Long, Võ sư Nguyễn Thanh Hằng, Võ sư Đỗ Thu Hà...Và có cơ duyên được thao luyện cùng nhiều võ sư tên tuổi Quốc tế.

Cũng từ đây căn bệnh Block Tâm nhĩ trái của anh thuyên giảm dần. Từ năm 2015, nhà báo Đỗ Phượng hướng anh dưới bút danh Quyết Tuấn (tên hai người con trai yêu quý của anh) chuyên tâm làm báo và giao anh phụ trách nội dung Tạp chí Việt Nam Hương Sắc và Cổng thông tin Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Đến tháng 10 năm 2017, nhà báo Đỗ Phượng mất, anh đã chuyển về công tác tại Báo Đời sống và Pháp luật. Tại đây, anh có điều kiện được phát huy hết những chuyên môn nghiệp vụ báo chí khi được tham gia làm cả báo giấy và báo điện tử.

Đầu năm 2020, anh chuyển về làm Tổng thư ký Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và có cơ hội được làm việc cùng nhiều nhà khoa học uy tín tại Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam. Với tư duy cởi mở của những nhà khoa học chân chính đã giúp anh thiết lập được hệ sinh thái truyền thông để phục vụ hoạt động truyền thông chuyên sâu về nông nghiệp, phát triển nông thôn và hỗ trợ cộng đồng.

Nhìn lại 20 năm sau khi ra trường, kí ức ùa về trong anh với bao ngổn ngang nỗi niềm khó nói: thất bại nhiều hơn thành công! Anh luôn biết ơn và tự hào về tất cả những mối nhân duyên mà anh từng trải qua (dẫu đến lúc này tất cả đều đã là dang dở), bạn bè, đồng nghiệp, những cơ quan anh từng công tác, cả những khó khăn và trải nghiệm nghiệt ngã nhất để cho anh sự trưởng thành, vững bước trên con đường thiên lý hôm nay./.

 Quyết Tuấn

 

Link nội dung: https://tinhhoathoidai.vn/nha-bao-vuong-xuan-nguyen-trai-long-20-nam-tot-nghiep-dai-hoc-a1067.html